Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến tháng 6-2017, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 200 vụ việc phức tạp trên địa bàn 164 xã, phường, thị trấn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội. Yêu cầu đặt ra là các cấp ủy và tổ chức đảng ở địa phương phải kiểm soát tốt tình hình cơ sở, không để các vụ việc diễn biến thành điểm nóng. Từ thực tiễn đó, ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 15 - NQ/TU "Về việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội".
Quá trình triển khai Nghị quyết đã có tác dụng làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy về vai trò, vị trí của tổ chức cơ sở đảng (TCCSÐ) đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhất là những nơi đang triển khai các nhiệm vụ chính trị nặng nề và nơi có những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Các cấp ủy coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, triển khai nhiều biện pháp nắm chắc tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở các địa bàn có vấn đề phức tạp. Sau 5 tháng triển khai, thành phố đã giải quyết xong 82 vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hiện có năm địa phương báo cáo đã giải quyết xong các vụ việc gồm: quận Cầu Giấy và các huyện Ðan Phượng, Hoài Ðức, Thạch Thất, Thường Tín. Ngoài 200 vụ việc theo thống kê của thành phố, 30 quận, huyện, thị xã đã tiến hành rà soát tình hình các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn để chủ động khắc phục. Tổng số các vụ việc được thống kê là 326. Tính đến nay, đã có 126 vụ việc được giải quyết, hiện còn 200 vụ việc đang tiếp tục được giải quyết.
Tuy có nhiều cố gắng, nhưng kết quả đạt được chưa như mục tiêu Nghị quyết đề ra là đến cuối năm 2017 giải quyết cơ bản các vụ việc phức tạp trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Số lượng các vụ việc phức tạp chưa giảm nhiều. Một số vụ việc mặc dù đạt kết quả bước đầu, tình hình tạm thời ổn định, nhưng chưa giải quyết được tận gốc, vẫn tiềm ẩn phức tạp. Nguyên nhân một phần là do tính chất khó khăn, phức tạp của các vụ việc, nhưng có nơi lãnh đạo vẫn chưa thấy hết trách nhiệm của mình, yếu kém trong quản lý, điều hành, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đối thoại, xử lý điểm nóng còn hạn chế.
Ðể thực hiện thắng lợi Nghị quyết, Thành ủy giao Thanh tra thành phố chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, thành phố rà soát, phân loại các vụ việc theo thẩm quyền và theo nhóm các vấn đề. Các vụ việc liên quan đến an ninh tôn giáo, các vụ việc có tính chất đông người liên quan đến an ninh nông thôn thì thực hiện kết luận giải quyết tố cáo của cấp có thẩm quyền, phấn đấu giải quyết cơ bản các vụ việc còn tồn đọng trong năm 2018. Tuy nhiên, để ngăn ngừa phát sinh các vụ việc phức tạp, điều quan trọng nhất là các cấp ủy đổi mới phương thức lãnh đạo; tập trung hướng về cơ sở; làm tốt công tác dự báo và giải quyết kịp thời những vi phạm, tiêu cực là mầm mống gây mất ổn định tại địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải quan tâm tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân, để điều chỉnh giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thường xuyên, chú trọng nâng cao chất lượng công tác dân vận, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.