Chủ động chống dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số mắc tăng cao nhất trong ba tuần đầu của tháng 3 rồi sau đó giảm rất mạnh; trung bình trong 7 ngày qua cả nước chỉ còn 3.237 ca nhiễm mới và hai ca tử vong mỗi ngày, trong đó, ngày 3/5 cả nước chỉ ghi nhận 2.709 ca mắc mới và không có tử vong; ngày 8/5 có 2.269 ca mắc mới và 1 ca tử vong.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cập nhật mới nhất về cấp độ dịch Covid-19 trong cả nước cũng cho thấy các xã vùng xanh, vùng vàng chiếm tới 94,6% tổng số xã, phường trên toàn quốc, trong đó số xã, phường vùng xanh là 80,8% và 13,8% số xã vùng vàng... chỉ còn 16 trong tổng số 10.604 xã thuộc vùng đỏ (nguy cơ cao về dịch). 

Nhờ kiểm soát tốt tình hình, nhiều biện pháp ứng phó dịch đã được cơ quan chức năng tạm dừng áp dụng để tạo thuận lợi cho cuộc sống của người dân trở lại bình thường, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhiều địa phương trong cả nước đã ghi nhận những con số ấn tượng về du lịch. Bộ Y tế cũng đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy định pháp luật và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. 

Tuy nhiên, dự báo dịch vẫn diễn biến khó lường, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về chương trình phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đồng thời bám sát tình hình, chỉ đạo kịp thời các biện pháp ứng phó phù hợp.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, mới đây Bộ Y tế đã có công văn xin ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, UBND 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan về phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023. Có hai tình huống được đưa ra để các địa phương, đơn vị cùng đóng góp ý kiến. 

Tuy nhiên, với tình hình thực tế như hiện nay, các bộ, ngành, địa phương bên cạnh tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục đẩy mạnh tiêm các mũi vaccine tăng cường cho các nhóm nguy cơ cao và sớm hoàn thành tiêm mũi một cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. 

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn... Các địa phương đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, không để quá tải hệ thống y tế; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm vi-rút để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.

Về phía ngành y tế tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng của hệ thống y tế để trụ vững trong đợt cao điểm của dịch Covid-19 trong thời gian tới cũng như các dịch bệnh mới xuất hiện trong tương lai. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tiêm chủng, bảo đảm đúng tiến độ tiêm vaccine theo kế hoạch cho các nhóm đối tượng; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc tiêm mũi 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. 

Phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, điều chỉnh, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn trong phòng, chống dịch, trong giám sát, điều trị bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. 

Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị Covid-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 trong nước... nhằm có đủ công cụ chủ động ứng phó dịch bệnh.