Chủ doanh nghiệp tâm huyết với công tác đảng

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư sinh học, đầu những năm 2000, Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1980, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) nhanh chóng tìm được việc làm nhiều người mơ ước tại một nhà máy bia với thu nhập khá cao. Thế nhưng điều đó vẫn không khiến Hồng bằng lòng, nhất là từ khi biết đến sản phẩm đông trùng hạ thảo, thời điểm ấy vốn phải nhập khẩu từ nước ngoài về. Càng nghiên cứu, cô càng say mê với sản phẩm được coi là tinh hoa của đất, báu vật của trời này và luôn thôi thúc Hồng tìm hiểu cách trồng và nuôi cấy tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc Nguyễn Thị Hồng tìm giống đông trùng hạ thảo trên đỉnh Phan Xi Păng.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc Nguyễn Thị Hồng tìm giống đông trùng hạ thảo trên đỉnh Phan Xi Păng.

Vốn sinh ra trong nhà có nghề trồng nấm, lại học chuyên ngành sinh học, cho nên Hồng mạnh dạn nghỉ việc và bắt tay ngay vào thử nghiệm; học hỏi kỹ thuật, rồi ra nước ngoài mua giống về nuôi cấy. Làm đi làm lại, thất bại nhiều lần, đến năm 2010, Hồng mới nuôi thành công đông trùng hạ thảo với hàm lượng hợp chất sinh học quý cao và bắt đầu thành lập Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc. Tuy nhiên, chỉ được một “mẻ” đầu tiên, đến lứa thứ hai thì giống không giữ được, gần như phải làm lại từ đầu. “Tất cả tài sản tích cóp được trước đó đều tiêu tan hết cả. Khó khăn vô cùng, nhưng tôi không nản chí, không nghĩ mình sai, chỉ do cách làm chưa đúng mà thôi”, Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Cô lại lên đường ra nước ngoài học hỏi, tìm mua giống tốt. Không phụ lòng người, mọi việc diễn ra thuận lợi và hai địa điểm nuôi cấy giống đông trùng hạ thảo đã ra đời để chủ động cung cấp nguyên liệu cho một cơ sở tại quê ngoại ở xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ) và một cơ sở tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Khi có nguồn nguyên liệu ổn định, Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc cho ra đời 12 sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo và sản phẩm được cung cấp tới khách hàng qua hệ thống hàng nghìn cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành phố; đồng thời, sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường Australia, Anh.

Không bằng lòng với nguồn giống nhập từ nước ngoài, năm 2017, Nguyễn Thị Hồng cùng các cộng sự đã lên đỉnh Phan Xi Păng để tìm nguồn giống, vì cô tin rằng khí hậu và địa chất ở đây hoàn toàn có thể sản sinh ra được đông trùng hạ thảo tốt nhất. Cô và các cộng sự làm việc trên rừng ở độ cao hơn 2.000m, có khi ròng rã cả tuần rồi lại về tay không, nhưng cô không nản, vẫn đi và tìm kiếm. Rồi một ngày, tất cả vỡ òa khi những con đông trùng hạ thảo đầu tiên được tìm thấy, hơn nữa hàm lượng hợp chất sinh học quý còn rất tốt.

Nguồn giống quý hiếm lại được phát hiện ngay tại Việt Nam đã giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn và nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm. Nhờ đó, thương hiệu đông trùng hạ thảo Thiên Phúc càng được nhiều người ưa chuộng. Công ty cũng đã mở thêm hàng chục cửa hàng tại 30 tỉnh, thành phố, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động; ngoài ra còn hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng trăm người khác.

Dù doanh nghiệp đã “ăn nên, làm ra”, nhưng Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hồng dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công tác đảng. Cô chia sẻ: “Từ khi công ty thành lập chi bộ, tôi thấy các đảng viên có tinh thần trách nhiệm, ý thức với công việc hơn. Năm 2017, được đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng, tôi thấy mình học tập được rất nhiều từ sự kỷ luật, chặt chẽ của mô hình tổ chức đảng, ứng dụng rất tốt cho hoạt động của doanh nghiệp”.

Với ý chí phấn đấu cao, năm 2020, Nguyễn Thị Hồng đã vinh dự được kết nạp vào Đảng và mới đây được bầu làm Bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025, được Thành ủy Hà Nội biểu dương là chủ doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn thành phố.