Chớp thời cơ xuất khẩu sản phẩm cây vụ đông

Nhằm bảo đảm cây vụ đông sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất, bà con nông dân ở các địa phương khu vực phía bắc đã thu hoạch lúa mùa sớm để giải phóng đất trồng cây vụ đông năm 2023. Dự báo, năm nay thị trường Trung Quốc do một số nơi bị ngập lụt, cây trồng bị thiệt hại cho nên nhu cầu nhập khẩu tăng, đây là cơ hội để xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản cây vụ đông.
0:00 / 0:00
0:00
Sơ chế sản phẩm cà-rốt tại tỉnh Hải Dương.
Sơ chế sản phẩm cà-rốt tại tỉnh Hải Dương.

Diện tích cây vụ đông các địa phương phía bắc trong những năm gần đây có xu hướng ổn định, diện tích dao động trên dưới 380.000 ha, giá trị sản xuất tăng từ 29 nghìn tỷ đồng năm 2018 lên 36,7 nghìn tỷ đồng năm 2022.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông 2022 các địa phương phía bắc gieo trồng khoảng 373.000 ha, sản lượng hơn 4,7 triệu tấn, thu nhập bình quân đạt 99 triệu đồng/ha, cao hơn 3,4 triệu đồng so với vụ đông năm 2021. Giá trị sản xuất cây vụ đông tăng chủ yếu do sự chuyển dịch từ nhóm cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang giá trị cao như: Nhóm rau ăn củ, ăn quả, chất lượng cao; ngô thực phẩm, sinh khối; hoa, cây cảnh giá trị cao...

Nhiều nơi sản xuất cây vụ đông trong nhà màng, nhà lưới gắn sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có thị trường đầu ra tương đối ổn định, nhất là nhân dân đã thực hiện nhiều diện tích trồng rải vụ góp phần giảm áp lực tiêu thụ và gia tăng hiệu quả kinh tế.

Trong vụ đông năm 2022, các địa phương đã áp dụng nhiều mô hình sản xuất tập trung và có liên kết tiêu thụ vừa bảo đảm đầu ra, vừa nâng cao thu nhập. Trong đó, tại tỉnh Hưng Yên với mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 25 đến 30 triệu đồng/ha.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với mô hình sản xuất bí xanh trên đất lúa xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa, quy mô 100 ha, cho lợi nhuận 190 triệu đồng/ha; trồng cà chua, dưa chuột, dưa lê Hàn Quốc… trong nhà màng tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, quy mô 7.000 m2, sản lượng hơn 70 tấn, thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối trong vụ đông ở các huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn, Tam Nông với diện tích hơn 1.000 ha cho thu nhập từ 55 đến 60 triệu đồng/ha/vụ. Còn tại tỉnh Thanh Hóa với mô hình trồng ớt xuất khẩu tập trung tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc thu nhập 200 đến 230 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất bí xanh, bí đỏ thu nhập hơn 150 triệu đồng/ha/vụ…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, vụ đông năm 2022 nhân dân gieo trồng hơn 33 nghìn ha, sản lượng hơn 79,4 nghìn tấn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất cây vụ đông có sự dịch chuyển theo hướng hàng hóa có liên kết nhằm nâng cao giá trị. Trong đó, mô hình trồng thâm canh hoa cúc áp dụng chiếu sáng bằng đèn led xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, diện tích 0,5 ha, lợi nhuận hơn 460 triệu đồng; mô hình trồng bí xanh ở 14 xã của huyện Thanh Chương, diện tích 30 ha, thu lãi 220 triệu đồng/ha; mô hình trồng dưa chuột tại các xã Nghi Hương, Nghi Hòa, Nghi Thu, thị xã Cửa Lò diện tích 30 ha, lãi từ 180 đến 200 triệu đồng/ha.

Vụ đông năm 2023, gia đình ông Nguyễn Hữu Lục, xóm Cẩm Thái, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương trồng 2,5 sào đậu cô ve, bầu xen ngô. Hiện nay, đậu sinh trưởng, phát triển tốt, khoảng một tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Theo ông Lục, đậu cô ve và bầu là những mặt hàng bán khá tốt trong vụ đông trước cho nên năm nay gia đình tiếp tục trồng.

Đón thời cơ thị trường

Theo dự báo, vụ đông năm 2023 ở các địa phương phía bắc gặp khó khăn do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ ảnh hưởng đến xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; thị trường tiêu thụ và giá cả biến động; kênh tiêu thụ chủ yếu là qua tư thương cho nên sản xuất gặp nhiều rủi ro, nông dân bị ép giá; thời vụ thu hoạch lúa mùa ở một số địa phương chậm, ảnh hưởng đến tiến độ làm đất và gieo trồng cây vụ đông. Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc ngày càng đòi hỏi yêu cầu chất lượng cao đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Hơn nữa, thời gian vừa qua mưa lớn làm nhiều diện tích trồng vụ đông sớm bị thiệt hại, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An Nguyễn Tiến Đức cho biết: “Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 35.000 ha. Đến ngày 25/9, nhân dân trồng được gần 5.000 ha nhưng do ảnh hưởng mưa to kéo dài làm hư hại gần như toàn bộ diện tích, đồng thời làm chậm tiến độ gieo trồng của các địa phương do đất ướt, ngập lụt.

Cục Trồng trọt cho biết, các địa phương phía bắc đưa ra mục tiêu gieo trồng khoảng 380 nghìn ha cây vụ đông, phấn đấu sản lượng 5 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 110 triệu đồng/ha.

Mặc dù vậy, dự báo năm nay tại thị trường Trung Quốc, do một số địa phương bị lũ lụt khiến cây trồng bị thiệt hại lớn chưa khắc phục kịp cho nên khả năng nhu cầu nhập khẩu có thể tăng cao, đây là cơ hội tiêu thụ nhiều sản phẩm vụ đông. Ngoài ra, một số mặt hàng rau, củ của Trung Quốc cạnh tranh với Việt Nam tại thị trường thế giới sẽ giảm do thiếu nguồn cung. Vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo đón thời cơ về thị trường tăng tối đa diện tích nếu có thể, nhất là các địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế như: Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa...

Tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ đông năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2023 ở các địa phương phía bắc, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho rằng: “Vụ đông ở các tỉnh, thành phố phía bắc là vụ sản xuất chính, sản xuất hàng hóa với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ rộng, ổn định, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Để sản xuất vụ đông 2023 đạt kết quả tốt, các địa phương cần rà soát kỹ kế hoạch sản xuất phù hợp điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, cây trồng, trình độ thâm canh, thị trường tiêu thụ... Từ đó, bảo đảm mục tiêu về diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và cân đối cung cầu; xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ phù hợp để không ảnh hưởng tới sản xuất vụ lúa đông xuân 2023-2024. Đồng thời, cần xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm”.

Bên cạnh đó, các địa phương cần thu hoạch sớm và gọn diện tích lúa mùa theo phương châm xanh nhà hơn già đồng, tránh thiệt hại do bão, lũ và sớm giải phóng đất để trồng cây vụ đông; bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời phát triển các cây vụ đông ưa lạnh lợi thế, có khả năng bảo quản dài và thị trường tiêu thụ tốt; đa dạng hóa các nhóm cây khác trong vụ đông, chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; ưu tiên mở rộng diện tích nhóm cây có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: Dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến, cây dược liệu, các loại nấm ăn, nấm dược liệu... ■