Chống nội dung độc hại trên mạng và giữ gìn bản sắc các vùng nông thôn

NDO - Trong phiên thảo luận của Hội thảo Văn hóa 2022, dưới sự chủ trì của ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội, các diễn giả đã bàn luận về những vấn đề đang được quan tâm hiện nay, như chống các nội dung độc hại trên mạng, làm sao để giữ gìn được bản sắc các vùng nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới, các thể chế chính sách cho phát triển văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận gồm PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Hoàng Thúc Hào; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương; GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhạc sĩ Quốc Trung...

Thể chế cho phát triển văn hóa

Một trong những vấn đề mà các diễn giả quan tâm là thể chế, chính sách và nguồn lực để phát triển văn hóa. GS. TS Từ Thị Loan cho biết, cần tập trung tháo gỡ 5 nhóm giải pháp căn cơ. Đầu tiên là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế.

Chống nội dung độc hại trên mạng và giữ gìn bản sắc các vùng nông thôn ảnh 1

GS.TS Từ Thị Loan phát biểu về thể chế trong phát triển văn hóa.

Theo GS.TS Từ Thị Loan, hiện việc thể chế hóa đường lối chủ trương phát triển văn hóa còn chậm và chưa phù hợp với thực tế. Bà đưa ra dẫn chứng trong nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, triển lãm chưa có luật quy định, mới chỉ ở điều chỉnh ở tầm nghị định. Hành lang pháp lý chưa thuận lợi. Hay như về du lịch văn hóa dựa trên tài nguyên di sản văn hóa, Luật Di sản việt Nam cần sửa đổi để phù hợp với công ước UNESCO hay lĩnh vực thủ công mỹ nghệ chưa có luật làng nghề. Ngoài ra, trong cơ chế quản lý cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhấn mạnh những gì pháp luật không cấm thì công dân, tổ chức, nhà sản xuất có quyền làm để từ đó thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, đa dạng văn hóa. Cùng với đó là vướng mắc về các nguồn lực, nhân lực… cần cơ chế huy động doanh nghiệp, hợp tác công tư. Ngoài ra, vấn đề vi phạm bản quyền cũng là điểm nghẽn khiến thị trường văn hóa không thể phát triển lành mạnh. Đây là những điểm nghẽn cần có giải pháp.

Chống nội dung độc hại trên mạng và giữ gìn bản sắc các vùng nông thôn ảnh 2

Nhạc sĩ Quốc Trung nói về khích lệ sáng tạo đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Câu chuyện thể chế còn được đề cập đến trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đại diện cho các nghệ sĩ sáng tác nội dung, biểu diễn, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ, năng lực sáng tạo của các nghệ sĩ không bị hạn chế bởi các luật hay quy định, nhưng để triển khai các sáng tạo, nghệ sĩ sợ nhất là quy định hay luật không rõ ràng, cụ thể. Anh cũng đề cập đến những sản phẩm nghệ thuật, văn hóa được làm ra rồi, nhưng lại bị vướng mắc do các quy định không rõ ràng. Anh đề nghị, trong xây dựng chiến lược văn hóa, công tác xây dựng pháp luật cần được chú trọng. Người làm văn hóa cần những quy định pháp luật đi trước để mở hành lang phát triển, chứ không chỉ là giải quyết các vấn đề cũ. Vì vậy, cần tầm nhìn dài hạn trong xây dựng chiến lược phát triển văn hóa để định hướng cho sự phát triển, tạo điều kiện phát huy nguồn năng lực sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam.

Đề cập đến việc khơi gợi sự sáng tạo của nghệ sĩ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế thúc đẩy phát triển văn hóa, trong đó hậu kiểm thông qua các quy định để nghệ sĩ biết được làm gì và không làm gì, giúp tăng cường trách nhiệm của nghệ sĩ đối với sản phẩm của mình và giúp sản phẩm hàng hóa nhanh đến với thị trường hơn.

Chống nội dung độc hại trên mạng và giữ gìn bản sắc các vùng nông thôn ảnh 3

PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ về cơ chế thúc đẩy phát triển văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, văn hóa và lĩnh vực đặc biệt tinh tế và nhạy cảm trong đời sống xã hội. Chính vì thế, việc can thiệp vào văn hóa phải tính toán kỹ lưỡng. Xu thế chung trên thế giới hiện nay đang chuyển sang từ tiền kiểm sang hậu kiểm. “Đời sống kinh tế xã hội đặc biệt là văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú, sức sáng tạo về văn hóa vô cùng lớn. Chính vì thế chúng ta cần phải có cơ chế nào đó để thúc đẩy sự phát triển văn hóa và cơ chế hậu kiểm giúp cho chúng ta làm được điều này”- ông nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phân tích, chúng ta tiến hành hậu kiểm, nhưng vẫn có tiền kiểm bằng các quy định có từ trước để nghệ sĩ, những người sáng tạo biết được mình có thể và không nên làm gì, từ đó có được những sản phẩm phù hợp với xã hội.

Trao đổi tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, theo Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Đề án định hướng chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XV, dự kiến chương trình xây dựng pháp luật, nhiệm vụ lập pháp trong lĩnh vực văn hóa đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể là sửa đổi Luật Điện ảnh (đã hoàn thành); nghiên cứu rà soát Luật Di sản văn hóa; nghiên cứu rà soát Luật Báo chí, Luật Xuất bản và nghiên cứu để ban hành mới luật về nghệ thuật biểu diễn.

Chống nội dung độc hại trên mạng và giữ gìn bản sắc các vùng nông thôn ảnh 4

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương chia sẻ về các luật dự kiến sẽ xây dựng trong năm tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cũng cho biết đây là định hướng nhưng các cơ quan quản lý và các cơ quan hữu quan cần chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn để chủ động đề xuất hoàn thiện chứ không chỉ bó hẹp như định hướng đã đề ra.

Xử lý thông tin xấu, độc trên mạng

Các thể chế liên quan đến văn hóa trong việc xử lý các thông tin xấu, độc trên mạng cũng được đưa ra bàn thảo. Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, việc ứng xử, quản lý, xử lý các nền tảng số trên mạng không còn khó khăn nữa vì chúng ta đã thay đổi về ý thức, thay đổi về thể chế, ngoài ra một số chính sách cũng đang được hoàn thiện. Điều khó ở đây là chúng ta không cấm tuyệt đối, mà phải “gạn đục khơi trong”, nâng cao ý thức toàn xã hội cùng nhận biết đâu là “rác”, đâu là thông tin độc hại để có ứng xử phù hợp, từ hành vi của cá nhân đến các cơ quan quản lý. Cái mới trong thời gian tới là phải nắm bắt và ngăn chặn thông tin xấu, độc từ gốc chứ không phải cho lên mạng rồi mới đi “dọn dẹp”.

Chống nội dung độc hại trên mạng và giữ gìn bản sắc các vùng nông thôn ảnh 5

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm thông tin về việc xử lý thông tin xấu, độc trên mạng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết, hiện nay cơ quan quản lý cần thêm thời gian để khẳng định việc một số nền tảng xã hội có xu hướng gợi ý những thứ nhảm nhí, xấu, độc, từ đó có cách điều chỉnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết hiện khó khăn nhất là các cơ quan chưa nắm được tập quán chia sẻ thông tin của các nền tảng xuyên biên giới khi mà các nền tảng này khi vào Việt Nam có xu hướng gợi ý những thông tin xấu độc, điều này làm người xem tiếp cận và phơi nhiễm với thông tin xấu. Do đó, các cơ quan cần có thêm thời gian để nhận diện xác định đúng vấn đề này từ có biện pháp chống, hướng đến thay đổi tập quán, hướng đến gợi ý thông tin tốt đang có rất nhiều.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định rằng, sẽ không có tình trạng “bảo hộ ngược” đối với những doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật mà lại làm khó các doanh nghiệp trong nước. Thứ trưởng cho biết, từ ngày 1/1/2023, Nghị định 71 sửa đổi Nghị định về cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet có hiệu lực, chúng ta hoàn toàn có quyền yêu cầu tất cả các nền tảng cung cấp nội dung phim ảnh nước ngoài xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định pháp luật như doanh nghiệp trong nước, nếu không sẽ bị chặn.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải tạo ra một sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài vào Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật. Đồng thời mang nguồn lực với thế mạnh của chính họ để đầu tư sản xuất những nội dung trong nước, sau đó lại phân phối phát lên trên những nền tảng của họ, không phải chỉ cho trong nước xem mà cho cả thế giới xem. “Ở đây bài toán đặt ra là chúng ta phải hợp tác và đấu tranh, đây là điều khó chứ không phải về thể chế, về phương pháp làm nữa. Ngoài ra, trong năm tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ yêu cầu tất cả các nhà sản xuất tivi thông minh và điện thoại thông minh bán ra ở Việt Nam sẽ phải cài sẵn tất cả những ứng dụng cung cấp nội dung báo chí, truyền hình hợp pháp, có giấy phép và không được ngẫu nhiên cài đặt trên tivi hoặc trên điều khiển từ xa những ứng dụng không tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Cần giữ gìn bản sắc vùng miền

Chống nội dung độc hại trên mạng và giữ gìn bản sắc các vùng nông thôn ảnh 6

Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Hoàng Thúc Hào chia sẻ về bản sắc vùng miền ở nông thôn.

Một trong những nội dung được nhiều diễn giả đề cập đến là những tiêu chí về nông thôn mới hiện nay mặc dù đem đến một bộ mặt mới hiện đại, tiện nghi hơn cho các vùng nông thôn, nhưng vô tình lại làm mất đi bản sắc vùng miền, bản sắc của cộng đồng, của từng dân tộc cũng như của mỗi địa phương. KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam nhận xét, hiện nay, đô thị và nông thôn Việt Nam đang trở nên na ná nhau. Thành tựu của nông thôn mới ở nước ta thời gian qua mới chỉ thiên về lượng. Giờ đây, chúng ta nên cần thiên cả về chất. KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng, chúng ta nên xây dựng luận chứng thẩm mỹ đi kèm với quy hoạch kiến trúc nông thôn… Như vậy, quy hoạch kiến trúc mới thực sự trở thành hoa của đất, mỗi vùng nông thôn mới có hương sắc riêng. Bên cạnh đó, bản chất quá trình đô thị là một quá trình liên tục. Đô thị hóa nông thôn nếu kiểm soát tốt, có khả năng tự cân bằng và điều chỉnh, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực nữa.

Chống nội dung độc hại trên mạng và giữ gìn bản sắc các vùng nông thôn ảnh 7
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm.

Chia sẻ về những thay đổi ở nhiều vùng nông thôn mới khi có sự “bê tông hóa”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm qua thực tế nghiên cứu, đưa ra dẫn chứng, khi áp dụng một tiêu chí như tiêu chí nhà ở 3 cứng (tường cứng, mái cứng, sàn cứng) Bộ Xây dựng và Chương trình nông thôn mới đưa ra, các ngôi nhà truyền thống mang theo tất cả những tri thức bản địa, tri thức dân gian của các tộc người sẽ có nguy cơ biến mất dần. Và người dân sẽ cũng sẽ tự ti với sự hiện đại, văn minh tự ti với văn hóa của họ. Người ta cho rằng, ngôi nhà của mình không còn đáp ứng được tiêu chí về văn minh và hiện đại nữa. Trong khi đó, những ngôi nhà truyền thống mang tri thức văn hóa dân gian, tri thức bản địa, thí dụ như nhà trình tường ấm vào mùa đông, mát về mùa hè và gắn kết nhiều tri thức liên quan đến thờ cúng, đến văn hóa nhưng lại đang dần bị phá bỏ bởi không phù hợp với các tiêu chí hay là một cái tiêu chí áp dụng chung cho tất cả các vùng miền.

Ngoài ra, việc áp dụng chung một tiêu chí cho tất cả các vùng, các cộng đồng cũng dẫn đến việc làm mất đi các tri thức bản địa, tri thức địa phương của một số vùng, các tộc thiểu số. Thí dụ như ở một số nơi, có những bức tường đá rất đẹp bị phá hoặc là bị sơn chồng lên các màu sáng để cho đáp ứng tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp của Nông thôn mới. Đây là một điều thực sự rất đáng tiếc khi chúng ta nhìn về văn hóa nông thôn, văn hóa các cộng đồng thiểu số.

Chống nội dung độc hại trên mạng và giữ gìn bản sắc các vùng nông thôn ảnh 8

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Bình luận về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan quy định rõ hơn, chuẩn hóa rõ hơn về nông thôn mới.