Chống ngập ngắn hạn, thiếu giải pháp căn cơ

Trong lúc chờ đợi hệ thống thoát nước được cải tạo, bức xúc với tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt, cho nên nhiều hộ dân trên đường Dương Văn Cam, thành phố Thủ Đức đã phải nâng nền từ 50 cm đến hơn 1 m so với mặt đường để tránh nước tràn vào nhà mỗi khi đường ngập do mưa lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực chung quanh chợ Thủ Đức thường xuyên ngập nặng sau mỗi trận mưa.
Khu vực chung quanh chợ Thủ Đức thường xuyên ngập nặng sau mỗi trận mưa.

Tình trạng cứ mưa là ngập luôn là nỗi lo thường trực của người dân thành phố khi mùa mưa đến cho nên rất cần những giải pháp chống ngập căn cơ, tổng thể từ chính quyền thành phố...

Hai trận mưa lớn đầu mùa (ngày 15 và 20/5) đã “nhấn chìm” khu vực chợ Thủ Đức làm giao thông “tê liệt”, ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán của người dân. Các tuyến đường bị ngập sâu trong nước như Võ Văn Ngân, Dương Văn Cam, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân diễn ra nhiều giờ đồng hồ, trung bình ngập hơn 0,5 m, kéo dài cho đến chập tối.

Bà Nguyễn Thị Hay, nhà ở mặt tiền đường Nguyễn Thị Rành, phường Linh Tây, thành phố Thủ Đức cho hay: “Nhiều năm qua, khu vực này hễ mưa là ngập. Ngoài sinh hoạt khó khăn thì việc buôn bán gần như ngưng trệ, có hôm phải dọn quán sớm để... tát nước. Theo tôi, việc chống ngập ở quanh chợ Thủ Đức phải làm toàn diện, không nên chỉ chống chỗ này mà bỏ chỗ khác”. Theo người dân sống chung quanh khu vực chợ Thủ Đức, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, vốn đầu tư hơn 248 tỷ đồng vừa được khánh thành trong tháng 4

nhưng chỉ sau hai trận mưa trong tháng 5 tình trạng ngập vẫn tái diễn.

Lãnh đạo thành phố Thủ Đức lý giải do mưa lớn, vượt công suất thiết kế của dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân. Ngoài ra, khu vực chung quanh chợ Thủ Đức là vùng trũng nên khi mưa lớn, nước đổ dồn về gây ngập. Chính quyền thành phố cũng cho rằng, các tuyến hẻm chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, có cao độ mặt đường thấp hơn so với các tuyến đường, hẻm và khu vực chung quanh; hệ thống thoát nước lỗi thời; dự án đã triển khai thi công nhưng chậm, do ảnh hưởng bởi triều cường... nên tình trạng ngập vẫn xảy ra.

Ở phía bắc thành phố, khu vực ngập lụt quanh năm có thể kể đến các tuyến đường Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Khối (đường Cây Trâm cũ), Phan Huy Ích, thuộc quận Gò Vấp. Chỉ cần mưa lớn kéo dài một giờ đồng hồ, người lưu thông tại đây khó có thể phân biệt được đâu là đường đâu là nhà. Giao thông hỗn loạn, ùn ứ. Ông Nguyễn Ngọc Chiểu, sinh sống ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Khối cho biết: Ngập là câu chuyện nói hoài không hết, cứ lặp đi lặp lại hằng năm ở khu vực này vì các điểm ngập như đường Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối, đường số 20… vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi không mong gì hơn là hệ thống thoát nước được thành phố cải tạo, đầu tư bài bản để ngập úng không còn là nỗi ám ảnh của người dân khi trời mưa.

Trong buổi Tọa đàm thực trạng và giải pháp chống ngập cho thành phố Thủ Đức được tổ chức ngày 31/5, ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Giao thông công chính thành phố Thủ Đức cho rằng: Chợ Thủ Đức thuộc vùng chuyển tiếp từ gò đồi đông bắc (giáp Bình Dương) về hướng tây nam ven sông Sài Gòn, cao độ địa hình biến thiên từ 30 m xuống tới 0,5 m. Khu vực chợ trũng so với chung quanh, như một lòng chảo, đón nhận nước từ các nơi khác đổ về. Đây cũng là lý do khiến dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân mới hoàn thành nhưng chưa thể khắc phục hết tình trạng ngập ở khu vực. Công trình này hiện chỉ giải quyết cục bộ cho lưu vực rộng 87 ha, đáp ứng khoảng 20%.

Để giải quyết tình trạng ngập, theo lãnh đạo thành phố Thủ Đức, địa phương sẽ có 5 công trình lớn cần thực hiện là dự án hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; hệ thống thoát nước đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân; dự án mở rộng rạch Cầu Ngang; dự án mở rộng rạch Thủ Đức; dự án điều tiết triều cường thành phố Thủ Đức. Trong đó, giải pháp căn cơ nhất vẫn là dự án xây kè, cải tạo rạch Thủ Đức kết hợp trạm bơm rạch Thủ Đức với tổng kinh phí hơn 4.400 tỷ đồng. Do mức đầu tư lớn nên địa phương sẽ tham mưu, đề xuất chính quyền thành phố sớm triển khai.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Châu Nguyễn Xuân Quang, Phó Viện trưởng Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống thoát nước ở thành phố những năm qua hầu như thực hiện theo quy hoạch cũ, hiện không còn phù hợp. Thành phố Thủ Đức cần cập nhật số liệu và có nghiên cứu tổng thể hệ thống thoát nước để đáp ứng tình hình mới. Đây sẽ là cơ sở để đưa ra các kịch bản, giải pháp phù hợp, như vậy mới chống ngập căn cơ.

Theo đại diện Sở Xây dựng thành phố, thành phố sắp triển khai 10 dự án cải tạo hệ thống thoát nước để xóa ngập cho 13 tuyến đường trục chính của thành phố bị ngập do mưa. Trong đó, chuẩn bị khởi công ba dự án chống ngập trên địa bàn quận Gò Vấp, gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến Cầu Chợ Cầu với tổng vốn 120 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đường Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt với tổng vốn 75,5 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp (350 tỷ đồng). Các dự án chuẩn bị đầu tư, gồm: Nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn (tổng vốn 1.850 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (290 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư - 69 tỷ đồng); xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh và nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu (300 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cầu mới Bạch Đằng với 79,3 tỷ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A (từ Ngã tư Bình Phước đến khu vực Đại học Quốc gia với 600 tỷ đồng) ■