Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), các trung tâm lớn về chế biến gỗ của cả nước nằm ở khu vực Đông Nam Bộ đã và sẽ còn tiếp tục chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát, phải giãn cách xã hội đã làm các chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, số còn lại hoạt động cầm chừng, chỉ còn khoảng 20 đến 50% so với lúc trước giãn cách. Qua khảo sát nhanh của các hiệp hội gỗ đối với 265 doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh vừa qua cho thấy, số lao động phải nghỉ việc chiếm khoảng 87% và chỉ còn 13% số lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp; 54% số doanh nghiệp dừng sản xuất, 46% số doanh nghiệp còn lại đang hoạt động, tuy nhiên toàn bộ phải giảm công suất do đang áp dụng hình thức ba tại chỗ.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành gỗ bảy tháng đầu năm 2021 đạt 9,26 tỷ USD, tăng 54% so với kim ngạch cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của riêng tháng 7 đã giảm 17,3% và kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 8/2021 chỉ tương đương 45,5% kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2020.
Tổ chức Forest Trends cho rằng, trong các tháng cuối năm 2021 sẽ có hai kịch bản có thể xảy ra đối với mặt hàng gỗ và các sản phẩm lâm sản xuất khẩu. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý IV/2021, khi các doanh nghiệp gỗ được tiếp cận với vắc-xin, thì kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong cả năm có thể đạt 13,55 tỷ USD. Kịch bản xấu hơn, khi dịch bệnh chưa được kiểm soát và tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm, thì kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ trong cả năm chỉ có thể đạt 12,69 tỷ USD.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, ngày 25/8, VIFOREST đã tổ chức cuộc họp tìm các giải pháp tháo gỡ và các kiến nghị duy trì, phục hồi ngành gỗ. Trong đó, tập trung thảo luận các vấn đề cải thiện tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng như hiện nay để duy trì sản xuất; các giải pháp phục hồi của ngành gỗ khi dịch bệnh được kiểm soát trở lại. Đồng thời, đánh giá những thay đổi của thị trường đầu ra, phản ứng của người mua hàng đối với nguồn cung từ Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới… Trước mắt, để giải quyết việc lưu thông hàng hóa, cùng với các hiệp hội ngành hàng khác tại khu vực Nam Bộ, VIFOREST đã có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của doanh nghiệp hội viên trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu trong thời gian và các khu vực giãn cách, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để duy trì sản xuất, xuất khẩu trong thời điểm hiện nay.
Để thoát khỏi kịch bản xấu, các doanh nghiệp gỗ đang nỗ lực hết mình chống lại chuỗi đứt gãy nguồn cung ứng và mong muốn các cơ quan hữu quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phòng, chống dịch bệnh để các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.