Những câu chuyện buồn
13 tuổi nhưng Nguyễn Thị Thúy ở thôn Ðức Hậu, xã Ðức Hòa (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chỉ bằng đứa trẻ lên 10, người gày gò, da đen sạm. Một cánh tay khuỳnh ra, một bên tai bị đứt, hàm răng trước cửa trống hoác. Ðó là vết tích những lần em bị bố đẻ xâu tai, bẻ răng, xích chân tay, dùng nút cao-su nhét vào tai. Thúy không nhớ nổi mình đã phải chịu bao nhiêu trận đòn vô cớ, nhất là khi bố say rượu. Mặc dù đau lắm, song em chẳng biết kêu ai.
Một kẻ từng có tiền án, tiền sự như Nguyễn Hữu Thuyên hành xử với con rất tàn bạo. Sau khi bị tòa án tuyên phạt 12 tháng tù treo về tội "hành hạ người khác" khi buộc tay con gái treo lên cành nhãn suốt mười ngày liền vào năm 2006, Thuyên có ít đánh con hơn, nhưng tính chất ghê rợn vẫn không thuyên giảm. Bức xúc vì bệnh tật đeo đẳng, lại không kiếm được tiền, cộng thêm bản tính cục cằn, côn đồ sẵn có trong người, khiến Thuyên thường tìm cớ trút giận lên bé Thúy. Những đòn hành hạ dã man của người cha độc ác đến nỗi bé Thúy luôn rụt rè, hoảng hốt và tìm cách bỏ trốn khi nhìn thấy bố. Người cha ác độc đã phải vào tù vì hành vi hành hạ con.
Nhìn những vết sẹo chi chít trên người bé Ðặng Thị Diễm Quỳnh ở xóm 19A Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, không ai cầm nổi nước mắt. Mới 10 tuổi, nhưng bé Quỳnh đã phải chịu những cơn mưa đòn từ người cha Ðặng Quốc Hoàng. Vợ đi tù, lẽ ra Hoàng phải dồn tình yêu thương cho con gái nhiều hơn, nhưng Hoàng lại dạy con theo cách rất hung bạo, có thể đấm đá, đánh đập con bất cứ lúc nào. Gậy gỗ, dây điện, xích sắt chính là công cụ để hắn dạy con. Không vừa ý điều gì, Hoàng lại hành hạ con gái. Mặc dù Hoàng đã bị chính quyền xử phạt vì hành vi đánh con, nhưng hắn vẫn chưa chừa. Những lời hứa trước chính quyền chỉ là lời hứa suông. Tối 11-5, Hoàng lại khóa trái cổng rồi dùng dây điện, gậy gỗ đánh bé Quỳnh tàn nhẫn ở trong nhà.
Còn không ít trăn trở
Nhiều năm qua, công tác BVCSTE trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến. Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác BVCSTE, huy động nguồn lực tại cộng đồng, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, nhằm bảo đảm trẻ em được bảo vệ khỏi nạn bạo lực, ngược đãi. Nhiều vụ bạo hành được phanh phui, lên án kịp thời và xử lý nghiêm minh, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ năm 2008 đến năm 2010, trên địa bàn thành phố xảy ra 430 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, với tính chất ngày càng phức tạp. Ðau lòng hơn, nhiều em bị chính bố mẹ, thầy, cô giáo, người bảo hộ bạo hành. Nguyên nhân tình trạng trên là do lối sống thực dụng, xem thường các giá trị, chuẩn mực đạo đức của một số cá nhân; một bộ phận gia đình sao nhãng, ít quan tâm hoặc bỏ mặc trẻ em làm gia tăng tệ nạn, dẫn đến làm gia tăng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (hiện trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 13 nghìn em có hoàn cảnh đặc biệt). Tình trạng gia đình tan vỡ, bố mẹ bất hòa, ly hôn cũng tác động tâm lý các em, khiến các em dễ có hành động "lệch chuẩn", bỏ nhà đi lang thang, trở thành nạn nhân của bạo lực và xâm hại.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ BVCSTE mỏng, kinh nghiệm và kỹ năng nghiệp vụ hạn chế. Ðến nay, mới chỉ có 18 cán bộ BVCSTE chuyên trách cấp thành phố và 31 cán bộ chuyên trách cấp quận, huyện, thị xã. Trong 577 cán bộ cấp cơ sở, chỉ có 15 cán bộ chuyên trách, còn lại đều là cán bộ kiêm nhiệm, cho nên không đủ sức quán xuyến hết công việc. Hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVCSTE không cao, tạo "khoảng trống" trong kỹ năng BVTE, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em. Việc phát hiện các trường hợp trẻ em bị bạo hành khó khăn, thiếu kịp thời và thiếu chính xác. Mặt khác, từ trước đến nay, các cấp chính quyền, ngành chức năng mới quan tâm nhiều về công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục, còn ít quan tâm về công tác bảo vệ trẻ em, hoặc các hoạt động vui chơi giải trí cho các em. Ðiều này vô tình tạo mảnh đất tốt cho tệ bạo hành, xâm hại trẻ em phát triển. Hơn nữa, pháp luật về BVCSTE vẫn còn bất cập, đang còn là luật khung, chưa cụ thể, để đi vào cuộc sống cần có nhiều thời gian và văn bản hướng dẫn.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em đó là căn bệnh vô cảm, bàng quan trước cái ác của một số người lớn. TS Bùi Thị Xuân Mai, Trưởng khoa Công tác xã hội, Ðại học Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, các bậc cha mẹ luôn coi con mình là "vật sở hữu" của riêng mình, dạy con theo kiểu "thương cho roi, cho vọt". Còn những người chung quanh thì cho rằng, đó là việc riêng mỗi gia đình, nên không can thiệp. Chỉ đến khi đứa trẻ bị bạo hành dã man, quá sức chịu đựng thì tất cả đã quá muộn. Mặt khác, cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em bị áp lực kiếm sống đè nặng, khủng hoảng trong đời sống, thất vọng khi đặt niềm tin vào con quá nhiều..., cho nên trút giận vào con cái. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận thông tin, đánh giá, xử lý các vụ bạo hành trẻ em chưa triệt để và nghiêm minh, cho nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Môi trường sống của trẻ em vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Ðể ngăn chặn tình trạng này, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định cụ thể về tội danh; có quy định về bảo mật thông tin, bảo vệ người tố cáo; tăng hình phạt với hành vi bạo hành trẻ em... Mặt khác, cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành phát hiện, xử lý, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo hành; cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật của Nhà nước và các biện pháp phòng, chống bạo hành tới các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng, trường học, gia đình và trẻ em. Củng cố và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên BVCSTE để tư vấn kịp thời cho các em, trang bị kiến thức để các em biết tự bảo vệ mình.