Nhưng quan trọng nhất, với mục tiêu hướng tới thành tích tầm châu lục và quốc tế, chúng ta đã dẫn đầu ở nhiều môn thể thao cơ bản Olympic. Vì thế, thành tích này cũng là áp lực không hề nhỏ đối với đoàn thể thao nước ta khi đến Campuchia dự SEA Games 32 với quyết tâm vào tốp ba đoàn dẫn đầu.
Không còn lợi thế sân nhà, thể thao Việt Nam đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Ngoài việc các đoàn như Thái Lan, Indonesia hay chủ nhà Campuchia... đều có sự đầu tư, chuẩn bị rất tốt để cạnh tranh vào tốp đầu, một yếu tố tác động không nhỏ tới thành tích của thể thao nước ta tại SEA Games 32 là nhiều môn, nhiều nội dung vốn thế mạnh của Việt Nam đã bị Ban tổ chức cắt giảm và khống chế số lượng nội dung đăng ký thi đấu.
Điều lệ đại hội đã quy định, trong một số môn, các nước tham dự chỉ được cho phép đăng ký 70% nội dung thi đấu. Theo đó, các vận động viên Việt Nam chỉ được đăng ký thi đấu 6/10 nội dung môn vật, 15/17 nội dung môn karate, 7/10 nội dung môn judo. Những hạn chế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tới thành tích của đoàn thể thao nước ta.
Đáng tiếc nhất, các môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu Olympic vốn là thế mạnh của Việt Nam như bắn cung, bắn súng, đua canoeing, rowing, thể dục dụng cụ nữ và một số môn võ... cũng bị loại khỏi nội dung thi đấu của SEA Games 32 với lý do khả năng tổ chức và cơ sở vật chất kỹ thuật không bảo đảm.
Theo tính toán của các chuyên gia, việc những môn, nội dung thế mạnh bị loại, có thể khiến thể thao Việt Nam mất khoảng 50 đến 60 Huy chương vàng và thực tế chỉ có thể giành được từ 89 đến 120 Huy chương vàng.
Việc Đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích cao với số lượng huy chương như ở kỳ SEA Games 31, chắc chắn sẽ rất khó khăn ở kỳ đại hội này, nhưng thật sự nếu điều đó xảy ra thì cũng không quá quan trọng.
Những năm qua, thể thao nước ta đã cho thấy thực lực, sức mạnh của mình và xứng đáng là một thế lực của thể thao khu vực. Chúng ta đã liên tục nằm trong tốp đầu tại các kỳ SEA Games vừa qua và luôn đứng đầu ở một số bộ môn thi đấu ASIAD, Olympic.
Trước và ngay từ SEA Games 31 trên sân nhà, thể thao Việt Nam đã có những định hướng quan trọng, lâu dài, nhất quán và kiên định trong chiến lược phát triển của mình, đóng góp vào sự phát triển, vươn tầm của thể thao khu vực khi nỗ lực tổ chức một sân chơi công bằng, khách quan, tập trung vào những môn thể thao cơ bản Olympic.
Thể thao Việt Nam sẽ nỗ lực đạt kết quả cao tại SEA Games 32, mục tiêu là đứng trong tốp ba đoàn dẫn đầu và cố gắng duy trì thứ hạng cao ở các môn thể thao ASIAD, Olympic.
Làm tốt điều này cũng có nghĩa thể thao Việt Nam đang đầu tư về thực chất, vươn tầm tới các đấu trường châu lục và thế giới như thể thao một số nước trong khu vực là Thái Lan, Singapore, Indonesia đang làm.
Ngay cả việc giảm số lượng thành viên dự SEA Games 32 vừa qua cũng là một hình thức tiết kiệm đáng hoan nghênh để đầu tư cho các vận động viên ở các bộ môn, có khả năng cao giành huy chương.
Nói như lãnh đạo Tổng cục Thể dục-Thể thao: "Chúng tôi xác định không đặt nặng vấn đề thành tích, mà tập trung vào các môn cơ bản Olympic, chuẩn bị lực lượng cho các mục tiêu khác tại ASIAD 19 và Olympic 2024 sắp tới".