- Cảm giác lần đầu tiên mang phim ngắn đến Liên hoan phim Cannes và cảm giác sau đó 8 năm, mang một bộ phim dài đến Liên hoan phim Venice khác nhau thế nào?
- Tám năm trước, năm 2000, tôi mang “Cuốc xe đêm” tới Cannes chỉ với tư cách như một phim học trò. Các liên hoan phim đều có phần thi phim ngắn và được lựa chọn tham gia về bản chất là sự khích lệ, động viên cho những nhà làm phim trẻ trong tương lai.
Năm nay, việc “Chơi vơi”, một bộ phim dài được tuyển chọn vào Liên hoan phim Venice hoàn toàn khác. Bởi một bộ phim dài có yếu tố về thương hiệu, thương mại, có yếu tố tầm vóc về văn hóa, về dân tộc, mang tính đại diện cho quốc gia… nên trách nhiệm nó lớn hơn nhiều.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự một liên hoan phim lớn, được tuyển chọn gắt gao. Ban tổ chức Liên hoan phim Venice đã tuyển chọn từ 3895 bộ phim được gửi đến từ 74 nước, và cuối cùng họ chỉ chọn ra 75 phim chính thức tham dự. (http://www.labiennale.org/en/cinema/festival/66/stats/ )
- Nói một cách thành thực, anh nhận định thế nào về đứa con tinh thần của mình tại liên hoan phim lớn trên thế giới như Venice?
“Chơi vơi” là một trong những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam quay bằng công nghệ kĩ thuật số (HD). Bộ phim do Hãng phim truyện I (Việt Nam)sản xuất phối hợp với hãng phim Acrobaltes Films (Cộng hòa Pháp), cùng sự hỗ trợ của nhiều quỹ làm phim trong nước và quốc tế, các cơ quan văn hóa và các doanh nghiệp… Bộ phim ghi dấu ấn sự kết hợp giữa nhà biên kịch Phan Đăng Di, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, âm nhạc Ngọc Đại, diễn viên Phạm Linh Đan, Johnny Trí Nguyễn, Đỗ Hải Yến… Dựng phim Julie Benziau, Thu thanh hiện trường Arnaud Soulier và được làm hậu kỳ tại Việt Nam và Thái Lan. |
Tôi không tự ti. Mỗi phim được chọn vào đây đều đặc sắc, muôn hình, muôn vẻ. “Chơi vơi” không giống phim nào hết. Đó là một bộ phim Việt Nam. Nhiều khán giả đánh giá cao bộ phim vì nó rất Việt Nam.
- Là người rất tỉnh táo với các giải thưởng và luôn tự biết mình đang đứng ở đâu trong điện ảnh. Trước khi mang “Chơi vơi” đi dự liên hoan, anh đặt kỳ vọng gì vào tác phẩm của mình?
Chúng ta thừa hiểu nền sản xuất của mình chưa có kinh nghiệm đến liên hoan phim lớn. Việt Nam thường mang nặng quan niệm đến Liên hoan phim để tranh giải. Với các Liên hoan phim nhỏ, các đạo diễn cứ lủi thủi mang phim đi rồi lủi thủi mang về.
Nhưng với liên hoan phim lớn không phải vậy. Đến với Liên hoan phim lớn không phải tham dự và tranh giải. Họ đến đây để quảng bá, bán phim cho các đối tác, để có thể giới thiệu bộ phim đó một cách tốt nhất, trang trọng nhất.
- Mặc dù ban tổ chức liên hoan phim Venice làm việc rất chuyên nghiệp nhưng cũng không tránh được các sự cố. “Chơi vơi” của anh có gặp phải sự cố gì khi trình làng tại Venice?
Có chút sự cố khi chiếu bộ phim tại Venice đó là chuyện làm phụ đề của Việt Nam. Hãng phim Truyện đã phải bỏ ra hàng nghìn USD để làm bản phim phụ đề tiếng Ý vì Liên hoan họ không bỏ tiền cho những việc này.
Cái khó cho chúng tôi là làm hậu kỳ gấp, việc tìm phông chữ tiếng Ý gặp khó khăn. Singapore và BangKok đều từ chối không làm được. Trung tâm Kỹ thuật Điện ảnh Việt Nam nhận làm nhưng khi chiếu thì font chữ bị nhảy lung tung. Đó là sự cố đáng tiếc vì thường thứ trình làng quan trọng như thế nhẽ ra phải rất cẩn trọng.
- Anh có nghĩ, bản chất cuối cùng của nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng là hướng tới công chúng? Anh nghĩ sao nếu “Chơi vơi” không được số đông công chúng Việt Nam đón nhận?
“Chơi vơi” không được đón nhận ở Việt Nam thì nó giống như những phim khác từ trước đến nay. Ngoài phim tết ra thì chả bộ phim nào ở Việt Nam được đón nhận. Đó là thực tế. Nên không có gì lạ.
- Anh nghĩ, “Chơi vơi” có điều gì đặc sắc hơn so với những tác phẩm điện ảnh trước đó anh làm và khác với các tác phẩm điện ảnh khác của Việt Nam?
Các nhà làm phim cần tự tin hơn với lợi thế của mình hiện đang có. Có lẽ mình nên kể một câu chuyện thành thật hơn, nó giản dị hơn, nó thông minh hơn, thoải mái hơn và quan trọng là phải thật với mình hơn.
Vấn đề mà Việt Nam gặp phải hiện nay trong điện ảnh là thiếu cá tính. Có thể do các nhà làm phim Việt Nam nhận được góp ý nhiều hoặc nhiều rào cản nên nhiều phim phải rào trước đón sau, dẫn giải dài dòng… làm bộ phim rắc rối và mờ nhạt về cá tính.
Bộ phim nên giản dị để đến với khán giả. Muốn như vậy thì người làm phim phải mạnh dạn nói ra điều mình suy nghĩ.
Chơi vơi được quay bằng HD, đó cũng là một điều thuận lợi vì chúng tôi có thể quay rất nhiều mà không lo tốn phim. Đó chính là điều kiện để có thể làm phim một cách chuyên nghiệp hơn. Một bộ phim của Việt Nam quay bằng phim nhựa trung bình chi quay khoảng 8-10 ngàn mét phim, trong khi thế giới họ quay hàng trăm ngàn mét mỗi phim. Tôi nghĩ phim để quay nháp mà còn phải dè sẻn thì không bao giờ làm phim hay được.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Sau giải thưởng của Liên đoàn các Nhà phê bình phim quốc tế (FIPRESCI), thuộc khuôn khổ "Horizons section and Critics' Week” tại Liên hoan phim Venice, “Chơi vơi” sẽ tiếp tục hành trình chinh phục khán giả của các liên hoan phim khác như LHP quốc tế Toronto (10 – 19/9/09), LHP quốc tế Vancouver (1- 16/10/09), LHP London 53 (14 – 29/10/09), tiếp đến là Rotterdam, Stockhom… bao gồm cả các liên hoan trong khu vực như LHP Bangkok (24 – 30/9/09), LHP Pusan (8- 16/10/09)… |
LAM TRẦN thực hiện