Khoa học ngày nay

Chip ADC 24-bit

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã chế tạo thành công bộ vi xử lý (chip) 24-bit ứng dụng trong đo lường. Chip ADC 24-bit có khả năng chuyển đổi tín hiệu analog sang tín hiệu số đạt độ chính xác cao, được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực đo lường như địa chấn kế, đo nhiệt kế điện tử, điện tâm đồ…

Trung tâm ICDREC hy vọng, sẽ nhận được sự quan tâm của tổ chức, doanh nghiệp để hợp tác cùng phát triển các sản phẩm thiết bị, các ứng dụng của chip này. Trước mắt, chip ADC-24 bit sẽ được ứng dụng trong sản phẩm điện kế điện tử của EVN.

Pin siêu bền cho ô-tô điện

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Cambridge (Anh) đã chế tạo thành công mẫu pin có thể sạc được 2.000 lần, mỗi lần đủ năng lượng cho ô-tô điện chạy hàng trăm km. Theo đó, công nghệ chế tạo pin Li-O2, có thể ứng dụng để sản xuất pin với giá thành và trọng lượng chỉ bằng một phần năm so với pin ô-tô điện hiện nay. Ứng dụng pin Li-02 có thể sử dụng năng lượng tái tạo như quang năng hay phong năng, thay thế xe chạy xăng và dầu đi-ê-den. Tuy nhiên, hiện nay pin mẫu được chế tạo trong phòng thí nghiệm lại cần sử dụng ô-xy tinh khiết, chứ không phải là ô-xy sẵn trong không khí. Các nhà khoa học cho biết đã có giải pháp để giải quyết khó khăn nói trên và rất lạc quan về tương lai của pin Li-02.

Sạc không dây dùng công nghệ cộng hưởng điện từ

Các nhà khoa học Ba Lan đã chế tạo thành công hệ thống sạc cộng hưởng điện từ có tên là XE, nhờ đó điện thoại sẽ được sạc liên tục trong khoảng cách 5m. XE hoạt động dựa trên hiện tượng cộng hưởng điện từ, năng lượng điện được truyền không dây giữa hai cuộn dây hoạt động ở chế độ cộng hưởng. Nguyên lý này được sử dụng với các loại thiết bị thu nhận sóng vô tuyến, kết nối dữ liệu di động, WIFI, chỉ khác biệt ở tần số. Ưu điểm của XE là hệ thống có thể sạc bốn thiết bị cùng lúc mà không bị giảm tốc độ sạc.

Có thể bạn quan tâm