40 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Ngày đoàn tụ

Trong lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cơn binh lửa, trong đó có những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chống lại sự chia cắt đất nước. Trong quá khứ, có hai vị quân vương được đánh giá cao không chỉ bởi hùng tài thao lược, võ công hiển hách, mà bởi họ là những vị vua có công thống nhất đất nước.

Quân và dân miền nam đón chào đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước do Chủ tịch Tôn Đức Thắng dẫn đầu vào thăm và dự lễ mừng giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.
Quân và dân miền nam đón chào đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước do Chủ tịch Tôn Đức Thắng dẫn đầu vào thăm và dự lễ mừng giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Người đầu tiên là Đinh Bộ Lĩnh (thế kỷ thứ 10) dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt, trở thành Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc. Người thứ hai là Quang Trung Nguyễn Huệ (thế kỷ thứ 18), đã cùng hai người anh em lãnh đạo khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, được lịch sử ghi nhận có đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Tuy thời gian tồn tại của hai nhà nước phong kiến này không dài, nhưng các ông là những người có vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, như là hai vị vua có công thu giang sơn về một mối.

Ở thời đại Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám thành công đã chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp. Chín năm kháng chiến trường kỳ, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, đã đánh bại hoàn toàn dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, nhảy vào miền nam, đánh phá miền bắc. Sau năm 1954, chúng ta phải tiến hành song song hai cuộc chiến tranh, đó là chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và đấu tranh chống lại sự chia cắt đất nước. Sau khi Hoa Kỳ phải đặt bút ký Hiệp định Pa-ri (1973), rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi miền nam Việt Nam, tuy về bản chất họ vẫn can thiệp vào nội bộ Việt Nam, nhưng về mặt hình thức, ở nước ta chỉ còn lại cuộc đấu tranh chống chia cắt. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền nam, là thời điểm chúng ta hoàn thành thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và đấu tranh thống nhất đất nước. Với thế hệ hôm nay, đây là chiến thắng mang lại ngày đoàn tụ cho tất cả người dân Việt Nam.

Ngày đoàn tụ ấy, chúng ta phải chiến đấu, hy sinh gian khổ trong 30 năm. Nhưng vì đất nước bị chia cắt trong một thời gian khá dài, nên những xung đột về ý thức hệ, văn hóa, thói quen, mặc cảm và cả sự thù hận là những thách thức không nhỏ trong quá trình hòa hợp.

Cha tôi có một người bạn học thuở thiếu thời ở Nam Định, năm 1954, ông di cư vào nam. Ông tên là Trần Cao Lĩnh, đã lập ra hiệu ảnh Đống Đa nổi tiếng trên đường Nguyễn Huệ, người Sài Gòn cùng thời chắc vẫn còn nhớ những cái tên Cao Lĩnh, Cao Đàm của hiệu ảnh này. Những bức ảnh ông chụp bộ đội ta vào giải phóng Sài Gòn mà gia đình tôi còn lưu giữ, tôi cho rằng, đó là những bức ảnh rất thời sự và nghệ thuật, được thực hiện bằng tất cả sự hân hoan, hồ hởi của người cầm máy. Tôi đoán rằng, qua ông Trần Cao Lĩnh, cha tôi đã được làm quen và thâm nhập vào giới văn nghệ sĩ sống dưới chế độ cũ.

Năm 1978, ở tuổi 15, tôi được bố mẹ cho vào Sài Gòn chơi lần đầu tiên. Ông Lĩnh tổ chức một bữa ăn nhẹ ở nhà riêng, có rượu vang, sâmbanh, đồ nguội (với tôi lúc ấy vô cùng lạ lẫm và sang trọng). Trong số khách, có mặt một số văn nghệ sĩ mà tôi không nhớ hết tên. Bữa ăn rất vui, cho đến khi nổ ra cuộc tranh luận khá gay gắt giữa một bên là cha tôi, còn bên kia là những người bạn của ông Lĩnh. Dù còn nhỏ, nhưng tôi vẫn cảm nhận được rằng, không phải vì mâu thuẫn cá nhân mà ở đây có sự khác biệt sâu sắc về quan điểm, ý thức hệ. Chỉ một bất đồng nhỏ, nếu thiếu kiềm chế, có thể dẫn tới chuỗi bất đồng lớn. Cuối cùng ông Lĩnh vốn là người lịch lãm đã khéo léo dung hòa, tuy mọi người miễn cưỡng nghe theo, nhưng bữa ăn vì thế mà kém vui. Sau này vì lý do sức khỏe (ông Lĩnh bị bệnh tiểu đường, khi ấy thuốc chữa bệnh này ở nước ta rất khan hiếm), ông rời Việt Nam sang định cư ở Ca-na-đa. Trước khi đi, ông để lại gần như toàn bộ tác phẩm của ông cho cha tôi giữ.

Những câu chuyện tương tự về quá trình hòa giải không dễ dàng ấy giữa hai phía, nay đã trở thành người chung một nhà, cũng từng được thể hiện qua rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật thời hậu chiến. Hơn 20 năm sau, câu chuyện ấy lặp lại với tôi trong một lần sang Mỹ theo chương trình viết văn quốc tế tổ chức tại bang Ai-ô-oa (Iowa). Trong một buổi giao lưu không chính thức với cộng đồng người Việt ở đây, tôi gặp một phụ nữ có chồng là sĩ quan tâm lý chiến thuộc chế độ cũ, di cư sang Mỹ theo diện HO. Buổi giao lưu rất thân thiện, hữu hảo cho đến khi chị phụ nữ kia biết tôi là người miền bắc. Chị đã lớn tiếng phê phán tôi, như là người của "phía bên kia", từng bắt chồng chị đi học tập, cải tạo; khiến gia đình chị phải ly tán, tha hương. Cho dù sau đó chị đã nhận ra sự bức xúc thiếu căn cứ của mình, sai con gái và con rể mời tôi ăn một bữa cơm Việt Nam để ngỏ lời xin lỗi, thì tôi vẫn biết rằng, nỗi đau cá nhân và sự hiểu lầm còn hiện hữu trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, dù thời gian đã qua đi khá lâu. Tôi vẫn còn nhớ một câu nói của chị khi chia tay: "Sau này tôi sẽ cho các con về Việt Nam, còn tôi ở lại đây thôi...". Tôi tin là chị đã nói rất thật. 40năm đã qua. Những thế hệ thứ hai, thứ ba đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành.

Nhà nước ta đã không ngừng nỗ lực thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, trên tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, nghĩ về ba chữ ngày đoàn tụ, mới thấy ý nghĩa lớn lao của những từ này và những mất mát, hy sinh to lớn để có được nó. Ngày đoàn tụ vượt lên sự phân định thắng thua thông thường mà mang một ý nghĩa cao cả hơn: Cả dân tộc Việt Nam chiến thắng.