Với việc công bố nam phi công người Anh khỏi bệnh Covid-19, Việt Nam đã điều trị khỏi cho tất cả bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài. Trong đó, bệnh nhân 91 này có thời gian nằm viện lâu nhất và trải qua nhiều giai đoạn "thập tử nhất sinh".
Sáng 3-7, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, đã chủ trì buổi hội chẩn quốc gia lần thứ 6, nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân 91 và phương án cho bệnh nhân về nước theo đề nghị của Đại sứ quán Anh.
Căn cứ kết luận Hội chẩn Quốc gia lần thứ 6, BN91 được chính thức công bố khỏi bệnh Covid-19. Bệnh nhân có thể ra viện và không cần cách ly y tế.
Tuy nhiên, để giúp bệnh nhân có đủ sức khỏe để hồi hương trên chuyến bay thương mại ngày 12-7, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang nỗ lực điều trị phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân.
Bệnh nhân 91 từng đã trải qua những giai đoạn thập tử nhất sinh, tiên lượng khó qua khỏi khi phải thở ECMO hơn hai tháng. Giai đoạn bi quan nhất là người bệnh tổn thương nhanh toàn bộ hai bên phổi kèm theo đó là sự suy giảm các chức năng của các tạng khác như thận, gan và rối loạn đông máu.
Tiểu Ban Điều trị cho biết, bệnh nhân đã trải qua những thời điểm hết sức nguy kịch. Đầu tiên là ngày 5-4, bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, lọc máu liên tục, thở máy không hiệu quả. Ngày 6-4 phải dùng hệ thống ECMO.
Sau đó, bệnh nhân bị hội chứng giảm tiểu cầu do Heparin, chạy máy ECMO bị đông máu và tắc màng lọc liên tục. Bốn ngày đầu phải thay ba màng lọc. Khi đó, Việt Nam không có thuốc chống đông phù hợp. Một mặt cầm cự với thuốc Xarelto (Rivaroxaban) đường uống, mặt khác Bộ Y tế chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp thuốc chống đông Agatroban nên hệ thống EMCO của bệnh nhân vẫn được duy trì đến sau này.
Thời điểm thứ ba là khi phổi bệnh nhân đông đặc gần hết lại gặp thêm biến chứng tràn khí màng phổi phải và nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh đa kháng. Tổ hội chẩn cho bệnh nhân Covid-19 nặng phải dùng kháng sinh mới (Zerbaxa) và nhập khẩu khẩn cấp thuốc an thần để dùng cho người bệnh (thuốc Dexmedetomidin).
Đặc biệt, trong suốt quá trình điều trị Covid-19, các xét nghiệm SARS-CoV-2 của bệnh nhân cũng thay đổi liên tục, lúc âm tính, lúc dương tính cả tháng trời. Virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh mẽ vào cơ thể BN91 khiến quá trình điều trị gặp vô vàn khó khăn.
Sau khi xét nghiệm hết Covid-19, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức và chuẩn bị ghép phổi. Lúc này tình trạng bệnh nhân vẫn suy sụp miễn dịch. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Bukhoderia và nhiễm nấm nguy cơ rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Bộ Y tế chỉ đạo cho nhập khẩu và dùng thuốc kháng sinh loại mới.
Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 110 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18-3 đến chiều 22-5 và tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22-5 đến nay.
Đánh giá về ca bệnh 91, PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho biết, sự hồi phục kỳ diệu của BN 91 là kết quả của sự điều hành của Tiểu Ban Điều trị do các thầy thuốc trong hội đồng chuyên môn, các bác sĩ, điều dưỡng hơn 110 ngày qua trực tiếp theo dõi, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân mà không quản ngại đến vất vả hy sinh của bản thân mình nhằm cứu chữa người bệnh không phân biệt quốc tịch là người Việt Nam hay người nước ngoài.
“Sự phục hồi của bệnh nhân thể hiện tinh thần quyết tâm không buông bỏ người bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế và các bệnh viện. Các y, bác sĩ ở tuyến đầu theo dõi chặt chẽ các diễn biến của người bệnh, kịp thời báo cáo xin ý kiến Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, huy động trí tuệ của toàn bộ nhân lực y tế của cả đất nước để phán đoán, tiên lượng và có biện pháp hỗ trợ, điều trị người bệnh. Việt Nam cũng huy động toàn bộ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc tốt nhất, kể cả nhập thuốc từ nước ngoài để điều trị cho người bệnh”, ông Khuê nói.