Chính sách bảo hiểm y tế bền vững, hiệu quả trong tình hình mới

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định: Toàn ngành đã hoàn thành các nhiệm vụ được Ban Bí thư giao, quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh và người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm y tế; tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về bảo hiểm y tế; đổi mới công tác thông tin truyền thông và tuyên truyền về bảo hiểm y tế…
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân và người nhà làm thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội). (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)
Bệnh nhân và người nhà làm thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt (Hà Nội). (Ảnh NGUYỄN ÐĂNG)

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38, năm 2008, toàn quốc chỉ có 39,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 46,1% dân số. Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết… đã tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế từ Trung ương đến địa phương, lan tỏa đến người dân.

Ðến năm 2023, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Hằng năm, bình quân có hơn 150 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hơn 100 nghìn tỷ đồng. Hệ thống khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được tổ chức tốt từ Trung ương đến địa phương.

Ðặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số đã giúp người dân tiếp cận thuận tiện, dễ dàng hơn. Hiện nay, người dân có thể sử dụng đa nền tảng khi đi khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân, ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số, ứng dụng định danh điện tử VNeID. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thí điểm xác thực thông tin sinh trắc trên căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp của một số tỉnh, thành phố chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ triển khai chính sách pháp luật nói chung và công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng…; chưa bố trí được nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế cho một số người tham gia như người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình..; việc sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực bảo hiểm y tế ngoài yếu tố bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể thì còn thiếu tính linh hoạt, phù hợp từng nhóm đối tượng, phù hợp từng điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi giai đoạn…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Chỉ thị số 38 nhấn mạnh: "Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư đã khẳng định đóng góp của chính sách bảo hiểm y tế trong bảo đảm an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quỹ Bảo hiểm y tế đã trở thành nguồn tài chính quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn".

Ðể sớm đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, giúp chính sách bảo hiểm y tế đi vào chiều sâu, thật sự là trụ cột an sinh xã hội vững chắc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đề nghị Ban cán sự đảng và toàn thể cán bộ công chức ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam khắc phục những hạn chế đã chỉ ra; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm; phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, sở y tế các tỉnh trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về chính sách bảo hiểm y tế; tham mưu tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo thực hiện đạt các mục tiêu về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ đạt 95% dân số.