Chính phủ và doanh nghiệp cùng đồng hành vượt khó

NDO - Sáng 8/10, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc Tọa đàm: "Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" với sự tham dự các vị khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp để cùng cùng phân tích, chia sẻ về sự đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế; sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp; những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang cần xử lý, xem xét; những kiến nghị, đề xuất cụ thể của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Các khách mời tham dự Tọa đàm. (Ảnh: VGP)
Các khách mời tham dự Tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và hoành hành, giống như nhiều quốc gia trên thế giới, trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh, mỗi đợt là một cao điểm phòng, chống dịch.

Dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ở mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động doanh nghiệp qua việc trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đề xuất; đề ra các định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ; chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp...

Trong những ngày cao điểm chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng đối thoại và làm việc với bất kỳ hiệp hội doanh nghiệp nào để xử lý các vấn đề đặt ra. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, kinh tế-xã hội đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam dự kiến cao vượt mục tiêu và cao nhất trong khu vực.

Cuộc tọa đàm diễn ra đúng dịp hướng tới Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), cũng là dịp để nhìn lại những thời khắc khó khăn khi cả dân tộc phải gồng mình chống dịch trong những đợt cao điểm dịch bệnh bùng phát vừa qua; ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn của doanh nghiệp cũng như đóng góp của doanh nghiệp đối với đất nước.

Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời: Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công; Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên; bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank); ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC.

Tại tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất nhận định, với tinh thần "cùng đồng cam cộng khổ", nhất là trong những tháng ngày cao điểm mà đại dịch Covid-19 hoành hành, các doanh nghiệp đã luôn phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo; chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh, biến "nguy" thành "cơ" để duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi điều kiện và hoàn cảnh.

Các doanh nghiệp đã thực sự phát huy được vai trò động lực của mình, như những "tế bào" trong nền kinh tế để hấp thụ vốn tín dụng, nguồn lực, sản sinh ra hàng hóa, của cải vật chất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua và sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong dài hạn.

Nhìn lại tròn 1 năm Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời, một năm hết sức khó khăn; cộng đồng doanh nghiệp rất cảm ơn Chính phủ cầu thị, rất lắng nghe, rất quyết liệt, rất kịp thời. Trong đó, nổi bật lên là sự cố gắng vượt bậc. Chính phủ đã "tả xung hữu đột" trong đại dịch, đặc biệt là Chính phủ "lăn xả" và kịp thời có quyết sách và giải pháp cho doanh nghiệp, ban hành rất kịp thời, đúng lúc và rất trúng cho doanh nghiệp. Đây là việc rất đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua.

Chúng ta thấy sự sáng tạo, kịp thời trong các giải pháp chưa từng có tiền lệ. Nhờ đó, cả Chính phủ cũng như doanh nghiệp đã "biến nguy thành cơ" rất thành công: kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển và phục hồi rất tốt, rất nhanh sau khi kiểm soát được dịch.

Chính phủ rất lắng nghe, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh. Thủ tướng liên tục có các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp, lắng nghe phản ánh, từ đó có quyết sách kịp thời. Chính nhờ quyết sách ấy và sự quyết liệt của Chính phủ đã giúp bảo toàn năng lực cho doanh nghiệp hiện nay không đổ vỡ quá nhiều trong đại dịch vừa rồi.

Các quyết sách đã hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ đào tạo lại cho lao động trong doanh nghiệp; cả chính sách thuế, giảm thuế. Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, chớp lấy cơ hội khi chuỗi sản xuất toàn cầu bị đứt gẫy, có khoảng trống thì doanh nghiệp Việt Nam kịp thời điền vào chỗ trống, giành được vị trí, từ đó sản xuất, xuất khẩu của chúng ta mới tăng trưởng nhanh. Chúng ta thấy, kết quả là quý III tăng trưởng lớn.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu rõ, nói về sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan với cộng đồng doanh nghiệp, xin nói rất ngắn gọn, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19, đó là sự đồng hành khăng khít, kề vai sát cánh của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Chúng ta nhớ lại thời gian đó, đại dịch đang bùng phát ở Việt Nam và mỗi ngày VCCI nhận được hàng trăm phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, đại sứ quán các nước nơi có doanh nghiệp FDI của họ ở Việt Nam.

VCCI cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp toàn quốc, giao VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Văn phòng Chính phủ triển khai. Đây là hội nghị lớn, quy mô toàn quốc, cả 63 tỉnh, thành phố, có cả Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự. Đây là "cuộc giải vây ngoạn mục" cho doanh nghiệp trong vòng vây của dịch Covid-19 lúc bấy giờ.

Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và đặc biệt lắng nghe các doanh nghiệp, đã có 3 quyết sách rất lớn. Một là chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ Zero-Covid sang thích ứng, linh hoạt và chúng ta ứng phó với dịch, sống cùng với dịch.

Thứ hai là đã tổ chức tiêm vaccine trong cả nước rất kịp thời. Thứ ba là có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid-19. Đấy là những chính sách rất lớn, giúp doanh nghiệp bảo toàn lực lượng, không bị đứt gãy trong sản xuất.

Chúng ta cũng có một giai đoạn ngắn nhưng so với thế giới, Việt Nam chúng ta làm rất tốt, sự đứt gãy là không lớn. Do đó việc phục hồi sẽ rất nhanh và sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi tốt, chiếm được vị trí mới trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Về phía doanh nghiệp trong sự đồng hành này, chúng ta cũng phải ghi nhận tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần dân tộc cao, đặc biệt là bản sắc của doanh nhân Việt Nam, sáng tạo, năng động, đã đồng hành với Chính phủ, chia sẻ những khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn cho hoạt động phòng, chống dịch, Quỹ vaccine cho đến các nguồn lực về vật chất, con người, tổ chức "3 tại chỗ", duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động, ổn định xã hội.

Theo Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, chúng ta vừa trải qua một thời kỳ khốc liệt, thử thách không chỉ Chính phủ mà còn đối với doanh nghiệp. Để vượt qua, phải có sự phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Chúng ta thấy rằng Chính phủ đã làm rất tốt việc của mình.

Thủ tướng Chính phủ đã "tham chiến" trực tiếp, đã vào các ổ dịch để cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nối được các chuỗi sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam với thế giới vì nguy hiểm nhất của nền kinh tế là đứt chuỗi.

Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành đã vào trung tâm dịch lớn nhất và cũng là trung tâm sản xuất lớn nhất để giữ được mạch sản xuất. Rõ ràng đấy là đồng hành thật sự. Đi liền với đó là chính sách; bám sát được nền kinh tế để đưa ra các quyết sách phù hợp ở thời điểm đó là rất tuyệt vời.

Về phía doanh nghiệp, trong tình thế khó khăn thì chắc chắn trước tiên là phải tuân thủ chính sách, điều chỉnh chính sách để tuân thủ, giống như tình huống chiến tranh không tuân thủ thì phải kỷ luật. Chúng ta thấy các doanh nghiệp đều nỗ lực tuân thủ chính sách trong tình huống đấy, bảo đảm kỷ luật hành động. Có thể có những điểm chuệch choạc không tránh khỏi nhưng về cơ bản các doanh nghiệp đã bảo đảm đội hình hoạt động rất tốt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hành động để cứu mình trên nền tảng xã hội chung. Chúng ta thấy rất rõ sự đóng góp của doanh nghiệp cho chống dịch chứ không phải chỉ hành vi kinh tế, phải nói là những hy sinh, đóng góp rất lớn. Đến khi dịch đã bớt đi, chúng ta thấy tinh thần hào hứng của doanh nghiệp trỗi dậy. Cái đấy phù hợp, đồng nhịp với cách làm của Chính phủ là phục hồi và phát triển chứ không phải là phục hồi không.

Việc này tạo đà, thế mới cho nền kinh tế. Cho đến giờ, câu chuyện khó khăn vẫn còn tiếp diễn ở những khía cạnh khác. Rõ ràng giai đoạn khó khăn vừa qua, cả Chính phủ và doanh nghiệp đưa ra bài học rất tốt cho sự phát triển. Bàn về hành động, chúng ta thấy rằng chính việc giữ được cho nền kinh tế Việt Nam tốt như bây giờ: Thế vững, đà tốt và lực không bị yếu đi quá mức và thậm chí còn có thế mạnh lên; ba thứ đà, thế và lực cho thấy các bài học rất tốt cho chúng ta trong giai đoạn tới.