Chính phủ trình, xin ý kiến Quốc hội về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

NDO -

NDĐT - Chiều ngày 6-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Bộ trưởng Tài chính trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Theo nội dung Tờ trình của Chính phủ, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) và đạt được được nhiều kết quả, quy mô TTCK ngày càng phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, góp phần phát triển đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành cho thấy Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như: Nội dung một số điều khoản của Luật còn chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong áp dụng; một số điều khoản của Luật không còn hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; Luật chưa quy định một số vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi cần phải thể chế hóa bằng Luật; một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế tốt, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Chứng khoán không còn thống nhất, đồng bộ với quy định liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... Trước những sửa đổi của các Luật, Bộ luật nêu trên, Luật Chứng khoán còn thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK.

Chính phủ trình, xin ý kiến Quốc hội về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ, chiều ngày 6-6.

Do đó, việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Chứng khoán sau hơn 10 năm thi hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán (TTCK), nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường và đưa TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo thẩm tra cho thấy Dự thảo Luật về cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, tương thích với các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, Luật này khi được ban hành sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác quy định về thẩm quyền phê duyệt điều lệ và các chức danh lãnh đạo; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng; việc chào bán chứng khoán của cổ đông hiện hữu; chuyển quyền sở hữu chứng khoán; hoạt động niêm yết của tổ chức tín dụng; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán; trách nhiệm thực thi pháp luật về phòng, chống rửa tiền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong lĩnh vực chứng khoán... Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với quy định tại các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ, các đại biểu đã cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến tại kỳ họp lần này.

Dự thảo Luật gồm 10 Chương, 136 Điều, có nội dung nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, bảo đảm TTCK hoạt động an toàn, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Chất lượng thị trường chứng khoán sẽ có bước chuyển tích cực