Chính phủ Pháp ứng phó nguy cơ thiếu hụt khí đốt và điện

NDO - Ngày 30/8, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne khẳng định rằng, các hộ gia đình sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cắt giảm khí đốt, mà chủ yếu là các doanh nghiệp. Cam kết này được đưa ra sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đình chỉ hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho Pháp từ ngày 1/9.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Élisabeth Borne bảo đảm rằng các hộ gia đình ở Pháp sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm khí đốt. (Ảnh: Franceinfo)
Thủ tướng Élisabeth Borne bảo đảm rằng các hộ gia đình ở Pháp sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm khí đốt. (Ảnh: Franceinfo)

Theo Tập đoàn Gazprom, việc đình chỉ giao khí đốt cho Tập đoàn Năng lượng Engie của Pháp là do chưa nhận được thanh toán đầy đủ cho các đợt giao hàng được thực hiện trong tháng 7. Kể từ khi xảy cuộc xung đột ở Ukraine, việc cung cấp khí đốt của Nga cho Engie đã giảm đáng kể, xuống chỉ còn 1,5 terawatt giờ (TWh) trong tháng 7, tương đương 4% công suất của giai đoạn chưa bị gián đoạn.

Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp ráo riết chuẩn bị các giải pháp để ứng phó nguy cơ thiếu hụt khí đốt khi mùa đông đang tới gần.

Tuần trước, thống kê dự trữ khí đốt ở các nước châu Âu cho thấy các kho dự trữ ở Pháp đã được lấp đầy tới 90% và dự kiến đạt 100% vào tháng 11 tới. Ngoài Pháp có 4 nước khác đã đạt hơn 90% dự trữ khí đốt gồm Bồ Đào Nha (100%), Ba Lan (hơn 99%), và Đan Mạch (hơn 93%) và Thụy Điển (hơn 90%)

Tuy nhiên, hiện rất khó để lường trước mức tiêu thụ năng lượng sẽ như thế nào vì phụ thuộc vào mức tiêu thụ trong mùa đông, có thể cao hơn những năm trước nếu mùa đông khắc nghiệt.

Để ưu tiên cho các hộ gia đình duy trì mức tiêu thụ khí đốt trong mùa đông, Chính phủ Pháp sẽ buộc phải cắt giảm mức tiêu thụ của các doanh nghiệp. Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne cho rằng việc cắt giảm như vậy sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực về kinh tế và xã hội.

Trong bài phát biểu ngay sau khi Gazprom thông báo quyết định đình chỉ cung cấp khí đốt cho Pháp, Thủ tướng Pháp kêu gọi người dân sử dụng khí đốt "có trách nhiệm" và tận dụng các giải pháp để giảm mức tiêu thụ nhằm tránh nguy cơ cắt giảm quy mô lớn.

Đối với tiêu thụ điện, Thủ tướng Pháp bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu hụt lớn do một số lò phản ứng hạt nhân đã đóng cửa. Các nhà máy điện hạt nhân cung cấp khoảng 3/4 trong tổng số sản lượng điện ở Pháp. Hiện chỉ có hơn một nửa trong tổng số 51 lò phản ứng hạt nhân hoạt động, do vậy Pháp buộc phải nhập khẩu điện. Nếu xảy ra thiếu điện, các công ty cung cấp điện sẽ phải thực hiện "giảm tải luân phiên theo khu vực" nhưng không được quá 2 giờ cùng với giải pháp giảm điện áp từ 230 xuống còn 220V.

Theo Thủ tướng Pháp, có thể có những đợt tăng giá khí đốt và điện vào đầu năm 2023 vì không thể "đóng băng" giá mãi được.

Dù ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga hơn so với các nước thành viên khác của Liên minh châu Âu, ngành công nghiệp của Pháp chủ yếu sử dụng khí đốt để hoạt động. Hàng triệu hộ gia đình ở Pháp cũng sử dụng khí đốt để sưởi ấm nhà ở vào mùa đông.

Do có nhiều diễn biến bất thường về thời tiết như nắng nóng kéo dài trong mấy tháng hè vừa qua, gây ra cháy rừng và hạn hán nghiêm trọng, Chính phủ Pháp đã liên tục đưa ra cảnh báo về những khó khăn có thể xảy ra trong mùa đông sắp tới do thiếu hụt năng lượng và lạm phát phi mã.

Ngày 29/8, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne chủ trì cuộc gặp với Nghiệp đoàn giới chủ (MEDEF), kêu gọi các doanh nghiệp giảm tiêu thụ 10% năng lượng. Nếu không đạt được mục tiêu này trong hai tháng tới và nếu Nga cắt hẳn nguồn cung cấp khí đốt, một số biện pháp nghiêm ngặt hơn sẽ được triển khai.

Hội đồng Nhà nước Pháp đang xem xét hai nghị định về tiết kiệm năng lượng gồm loại bỏ việc chiếu sáng cho mục đích quảng cáo vào ban đêm và các cơ sở kinh doanh có điều hòa phải đóng cửa ra vào.

Trong cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, Pháp là nước ít bị ảnh hưởng hơn trong khu vực. Khí đốt nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm khoảng 17% tổng lượng khí tiêu thụ ở nước này.

Các nước EU đang cố gắng thực hiện chính sách giảm hẳn sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga bằng cách tìm nguồn cung cấp khác. Tuy nhiên đây là một lộ trình khó có thể thực hiện được trong thời gian ngắn.

Chuyến thăm Algeria gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhằm mục đích tăng cường hợp tác về năng lượng. Cho tới nay, Pháp và các nước châu Âu vẫn chưa tìm được nguồn cung cấp thay thế Nga.

Ngày 2/9, Tổng thống Pháp sẽ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng về vấn đề cung cấp khí đốt và điện.