Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua có nhiều điểm sáng: dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cho phép chúng ta khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội trừ một vài khu vực nhỏ lại, kết quả này tạo cơ sở phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2020, lấy lại đà tăng trưởng cho năm 2021. Mục tiêu kép vẫn phải kiên trì, phấn đấu mức cao nhất có thể, nhưng không chủ quan tình hình dịch bệnh.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta hiện nay đã có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch; thành tựu to lớn về xuất khẩu, trong đó xuất siêu kỷ lục nhiều năm qua, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Lạm phát đang được kiểm soát tốt, song không được chủ quan, đòi hỏi phải phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ tốt hơn nữa.
Giải ngân vốn đầu tư công duy trì đà tăng trưởng tích cực, thể hiện quyết tâm của chúng ta đang thành hiện thực. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tiếp tục đề xuất điều chuyển vốn nơi không thể tiêu tiền sang nơi có khả năng giải ngân. Tỷ giá duy trì ở mức ổn định. "Sức khỏe" của nền tài chính Việt Nam được quốc tế đánh giá tốt, hoàn toàn có thể vượt qua tác động của đại dịch Covid-19.
Các cân đối vĩ mô ổn định, đây là điểm khác biệt cơ bản so giai đoạn 2008-2011. Hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế được đẩy mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, tiếp tục hỗ trợ các nước bạn trong phòng, chống dịch bệnh. Các công tác bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả tốt...
Tuy vậy, có một số rủi ro thách thức đối với nền kinh tế cần được đặt ra, đó là đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, chưa được kiểm soát ở các nước chung quanh; căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu… Những thách thức lớn là dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng có thể bất ngờ quay trở lại.
Do đó, chúng ta phải kiên quyết khoanh vùng, dập dịch; thực hiện tốt các biện pháp, văn hoá ứng xử trong phòng, chống dịch. Ngành y tế phải chủ động, báo động vấn đề này. Đó còn là chỉ số sản xuất công nghiệp giảm… Do đó cần thúc đẩy sản xuất công nghiệp tiêu dùng mạnh hơn nữa. Thu hút vốn đầu tư FDI có tiến bộ trong bối cảnh khó khăn, nhưng đã có hiện tượng chững lại, giảm so cùng kỳ.
Chúng ta ghi nhận kết quả này nhưng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là xúc tiến thu hút đầu tư tốt hơn. Chi ngân sách nhà nước tiếp tục tăng trong khi nguồn thu giảm. Hoạt động DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn; số việc làm mới giảm, công nhân, người lao động gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này...
Do đó, điều hành vĩ mô phải được thúc đẩy mạnh mẽ, phối hợp tốt, điều hành chủ động, linh hoạt, nghiên cứu các chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ, kích thích kinh tế, phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có. Đẩy mạnh sản xuất gắn với phát triển thị trường trong nước. Kích cầu tiêu dùng nội địa là hết sức quan trọng. Bộ Công thương và các địa phương cần quan tâm vấn đề này. Thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là nguồn vốn luân chuyển trong khu vực và trên thế giới. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh phải quan tâm vấn đề này, có những biện pháp thu hút mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng, phương án chỉ đạo điều hành quý III và IV-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội; trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 dự kiến 6-6,5%, con số này không phải là thấp nhưng phải đặt mục tiêu tích cực để nỗ lực phấn đấu trong bối cảnh chung giai đoạn 2021-2025 và chiến lược chung giai đoạn 2021-2030. Phải khắc phục mọi khó khăn và tìm mọi nguồn lực đầu tư phát triển, giữ nhịp độ tăng trưởng ít nhất 6-6,5%.
Thủ tướng chỉ đạo, càng đại dịch, chúng ta cần khắc phục những khiếm khuyết của nền kinh tế, cần xác định chiến lược phát triển, áp dụng nền kinh tế số, chiến lược số ở Việt Nam, cơ cấu lại quản trị, tổ chức lại sản xuất, nếu làm được sẽ tạo sức bật mạnh sau khủng hoảng.
Các cấp, các ngành đều phải tính toán việc này; chúng ta phải đẩy mạnh phương thức phát triển mang tính thời đại, tập trung vào chuyển đổi số quốc gia; chú ý sâu hơn đến nông nghiệp, nông thôn, là “trụ đỡ, van đệm” của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài. Chú trọng và đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước, do đó phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa.
Không chỉ quan tâm, chú ý doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ mà cả các DN lớn, đầu đàn, có khả năng dẫn dắt và lan tỏa, kể cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; phải kết hợp kinh tế trong nước và ngoài nước.
Chúng ta quyết tâm thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu mức tăng trưởng cao nhất. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại. Đặc biệt đối với gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ; cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ phù hợp để giảm khó khăn cho các tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm trình Chính phủ và các bộ liên quan gói hỗ trợ an sinh xã hội mới với thời gian ngắn hơn, thủ tục đơn giản hơn. Một vấn đề lớn là chuẩn bị tâm thế, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường còn nhiều dư địa như Trung Quốc, EU…. Bộ Công thương và các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt việc này.
Thúc đẩy đôn đốc, giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; phải giao ban thường xuyên để thúc đẩy giải ngân. Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, bộ, ngành, cơ quan liên quan phải quan tâm, thúc đẩy giải ngân mạnh mẽ hơn. Những cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế phải được triển khai nhanh và mạnh hơn; trong đó lưu ý không vì mục tiêu đẩy mạnh giải ngân nhanh mà làm ẩu, gây lãng phí, kém chất lượng, không hiệu quả, báo cáo không trung thực. Bộ KH-ĐT là đầu mối theo dõi, đôn đốc vấn đề này phải theo dõi, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời hơn nữa. Chính phủ, các bộ, cơ quan phải làm gương vấn đề này.
Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan, đặc biệt là Bộ KH-ĐT cần tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng vốn đầu tư để thu hút vốn FDI có sàng lọc. Các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt về khu công nghiệp; ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, hoặc thu lại những khu công nghiệp không làm được; công bố những khu công nghiệp sẵn sàng về cơ sở hạ tầng; thúc đẩy đào tạo nghề trong giai đoạn này. Kích cầu thị trường tiêu dùng nội địa với các chính sách cụ thể như du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, bán lẻ, lưu trú, ăn uống...
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ Văn phòng Chính phủ đẩy mạnh triển khai về Chính phủ điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... Tổ chức khai giảng năm học mới gọn nhẹ, an toàn.
Thường trực Chính phủ đã quyết định mở lại một số chuyến bay thương mại quốc tế, nhưng yêu cầu phải soát chặt chẽ từng chuyến bay, không để dịch bệnh lây lan. Ngành y tế phải đề xuất các phương án cách ly phù hợp từng đối tượng chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân đến Việt Nam.
* Bộ KH-ĐT cho biết, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, 8 tháng đạt hơn 221,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,08% kế hoạch (cùng kỳ năm trước đạt 41,39%).
Trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã có nhiều chỉ đạo giải pháp quyết liệt, tổ chức các đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ, tổ chức hội nghị trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020, trong đó tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phân loại dự án, đẩy nhanh tiến độ hoàn công và thủ tục thanh toán tại Kho bạc...
Sản xuất công nghiệp đối mặt nhiều khó khăn cả về cung do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và về cầu do thương mại thế giới giảm mạnh và thị trường trong nước còn yếu. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp, khoảng 2,2%, thấp nhất trong nhiều năm qua , trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,7% (cùng kỳ tăng 10,6%).
Một số ngành giảm sâu như sản xuất xe có động cơ (-14%); khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (-11,4%); sản xuất mô-tô, xe máy (-9,5%); sản xuất da (-4,3%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (-4%)...
Khu vực dịch vụ trong tháng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bùng phát đợt 2, đặc biệt là ngành du lịch nội địa, lưu trú, lữ hành. Lượng khách hủy tour trong tháng lên đến 95-100%; công suất buồng phòng bình quân chỉ đạt khoảng 10-20%; các trung tâm du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa...
Vận tải hành khách giảm mạnh, đặc biệt đối với hàng không lượng khách giảm hơn 30% so với trước khi dịch bùng phát.
Sức mua thị trường trong nước yếu, người dân có tâm lý tiết giảm chi tiêu do giảm sút thu nhập, hạn chế đi lại, du lịch, vui chơi, giải trí... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng giảm 2,7% so tháng trước; tính chung 8 tháng giảm 0,02% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5% (cùng kỳ tăng 9,5%).
Tình hình đăng ký DN cho thấy dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong nước đã tác động mạnh tới các DN thuộc ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và giáo dục, đào tạo.
Theo số liệu sơ bộ, có 95% DN lữ hành phải ngừng hoạt động, khoảng 30% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa. Các DN hàng không Việt Nam sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, việc phải hoàn trả tiền vé cho khách hàng khiến vốn lưu động bị suy kiệt.
Tính chung 8 tháng, có gần 88,7 nghìn DN thành lập mới, giảm 2% so cùng kỳ; DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cao kỷ lục, tăng 70,8%, trong đó đa số DN tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động ngắn, quy mô nhỏ, chủ yếu ở các ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19.