Phim rạp sụt giảm
Năm 2020 ghi dấu ấn một năm thất bại của phim Việt khi số phim ra rạp chỉ còn bằng một nửa so với năm ngoái. Trong nhiều năm gần đây, mỗi năm có khoảng 40-45 phim Việt ra rạp, không chỉ tập trung vào mùa Tết mà còn rải rác nhiều dịp khác trong năm như nghỉ hè, Trung thu… Nhiều phim Việt còn cạnh tranh ngang ngửa với các bom tấn của Hollywood, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình các rạp chiếu thế giới còn ảm đạm và thảm hại hơn, khi hầu hết đã phải đóng cửa suốt một năm trời nay, số ít hoạt động cầm chừng với những quy định chặt chẽ về giãn cách và an toàn vệ sinh cho khán giả. Nhiều nơi chuyển đổi từ chiếu phim trong rạp sang chiếu ngoài trời, như chiếu trên sông, hồ, chiếu trong công viên… để phục vụ khán giả. Đến tận những ngày cuối năm này, nhiều nước châu Âu như Anh, Italia vẫn đóng cửa hoàn toàn các rạp chiếu phim, bất kể kỳ nghỉ lễ Noel là cơ hội để các hãng tung ra phim mới. Hàng loạt hãng phim lớn của Hollywood phải chuyển sang phát hành phim qua mạng thay vì rạp chiếu truyền thống, chấp nhận để cho các rạp chiếu “ngắc ngoải”.
Trong bối cảnh đó, việc các rạp chiếu Việt Nam vẫn mở cửa cho khán giả xem bình thường là một may mắn vô cùng lớn, mặc dù với thời gian chiếu giảm nhiều so với trước, do Việt Nam cũng có những khoảng thời gian phải giãn cách xã hội hoặc giảm bớt các hoạt động tập trung đông người do ảnh hưởng của các đợt dịch vào các tháng 2-4, tháng 7-8 và tháng 11. Tính từ đầu năm đến nay, có khoảng 22 phim được công chiếu ngoài rạp, bằng một nửa so với trước đây, giảm sâu nhưng dù sao vẫn còn được chiếu trực tiếp tới khán giả.
Số lượng phim ra rạp giảm mạnh cũng dẫn tới doanh thu sụt giảm. Các năm trước, doanh thu phim Việt lần lượt chinh phục hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, từ con số trăm tỷ đồng ban đầu của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cho đến các mốc lần lượt bị xô đổ như 171 tỷ đồng của “Em chưa 18”, 180 tỷ đồng của “Mắt biếc”, 191,8 tỷ đồng của “Cua lại vợ bầu” và 200 tỷ của “Hai Phượng”… Năm nay, theo con số mà đoàn làm phim cung cấp, phim Việt đạt doanh thu cao nhất là “Gái già lắm chiêu với hơn 165 tỷ đồng.
Phim truyền hình nở rộ
Ngược lại với tình trạng ảm đạm của phim rạp, năm nay ghi dấu ấn rực rỡ của phim truyền hình khi liên tục các phim lên sóng đều nhận được những phản hồi rất tích cực của khán giả. Phim mới ra mắt liên tục từ đầu năm đến nay. Chỉ tính riêng phim của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã có trên dưới 10 phim giới thiệu tới khán giả. Có những bộ phim phải thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội, hoặc trong điều kiện hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch như “Những ngày không quên”, “Cát đỏ”…
Hầu hết các phim khi lên sóng truyền hình vào giờ vàng đều thu hút sự chú ý của khán giả, tạo được hiệu ứng tốt, tương tác tốt về mặt truyền thông với người xem. Các phim đều có đề tài đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu của người xem ở những lứa tuổi, tầng lớp xã hội khác nhau, từ phim chính luận, phim gia đình cho đến phim dành cho giới trẻ... Rất nhiều phim được khán giả yêu thích và đón đợi xem vào mỗi buổi tối, như “Những ngày không quên”, “Nhà trọ Balanha”, “Tình yêu và tham vọng”, “Đừng bắt em phải quên”, “Lựa chọn số phận”… Những ngày cuối năm, hai bộ phim “chiếm sóng” và chiếm được tình cảm của khán giả hiện đang là “Trở về giữa yêu thương” và “Hướng dương ngược nắng”.
Một lý do khiến cho phim truyền hình thu hút sự chú ý của khán giả hơn là do dịch bệnh, những phương tiện giải trí trực tiếp bên ngoài giảm nhiều, phim truyền hình là cách giải trí hợp lý và an toàn trong điều kiện phòng chống dịch bệnh. Nhưng lý do lớn hơn cả là hiện nay chất lượng của phim truyền hình đã được nâng cao hơn hẳn về mọi mặt. Các bộ phim không chỉ được chăm chút kỹ lưỡng về kịch bản, diễn viên…, mà ngay cả bối cảnh, công nghệ cũng được đầu tư kỳ công và hiện đại. Phần lớn phim truyền hình của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam được thực hiện thu tiếng trực tiếp tại hiện trường, đòi hỏi diễn xuất của diễn viên phải chân thực hết sức có thể. Nhiều phim cũng được đầu tư quay bằng máy 4K, cùng những công nghệ, kỹ thuật hiện đại khác hỗ trợ. Bối cảnh được lựa chọn kỹ, với nhiều bối cảnh đẹp trải dài khắp đất nước, chưa kể một số phim cầu kỳ còn quay ở nước ngoài trong thời gian dịch bệnh chưa bùng phát.
Một lý do nữa là hiện nay khán giả xem phim truyền hình rất kỹ tính, đòi hỏi cao. Ngoài phim truyền hình, hiện nay trên mạng cũng như trên chính các kênh truyền hình còn có rất nhiều loại hình, chương trình giải trí khác. Khán giả cũng phản ứng rất nhanh trước mỗi bộ phim dù hay hay dở. Hiệu ứng lan tỏa nhanh của mạng xã hội cũng làm cho những phản ứng này của khán giả lan rộng hơn. Điều đó khiến cho đội ngũ làm phim phải hết sức nỗ lực, nghiêm túc đầu tư trong sáng tạo để cạnh tranh và vượt qua được tất cả những điều này.
Và bước đầu, phim truyền hình đã thành công, khi không chỉ khiến khán giả quên khái niệm “thảm họa phim giờ vàng” năm xưa, mà còn tạo nên những làn sóng tích cực như “Về nhà đi con” trong năm 2019.