Tới dự, có các đồng chí: Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo cho biết, cách đây nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, các đơn vị thuộc Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu 5, Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 Quân đoàn 2 phối hợp với lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mở Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức.
Kỷ niệm 40 năm và khánh thành Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức
Phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, trí tuệ và bản lĩnh của đội quân cách mạng, trải qua gần 40 ngày đêm chiến đấu kiên cường, các lực lượng tham gia chiến dịch đã anh dũng chiến đấu, sáng tạo trong thực hành chiến dịch, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra, đập tan khu vực phòng thủ quan trọng của địch, tạo thêm thế và lực mới cho cách mạng miền Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, Chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức đã góp phần khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu và Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân khu 5; đồng thời, phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trong tác chiến hiệp đồng binh chủng.
Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với chiến trường Khu 5 mà còn tác động trực tiếp, sâu sắc đến sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta; là một cơ sở thực tiễn rất quan trọng để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức để lại nhiều bài học quý giá, đó là bài học về: đánh giá, dự báo đúng tình hình; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; về vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo vào thực tiễn chiến trường.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. 50 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa và bài học của Chiến thắng vẫn còn vang vọng.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo do Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam trình bày tại hội thảo khẳng định, 50 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở các nguồn tài liệu có độ tin cậy, với tinh thần khách quan, khoa học, Đại tá Lê Thanh Bài đề nghị, các đại biểu tập trung luận giải, làm sâu sắc hơn một số vấn đề, trong đó nổi bật là phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước và địa bàn; quá trình chuẩn bị và thực hành Chiến dịch, trong đó nhấn mạnh về công tác tổ chức, bố trí, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; vai trò của bộ đội chủ lực và các lực lượng trên địa bàn Chiến dịch.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn phát biểu ý kiến tại Hội thảo. |
Cùng với đó, các tham luận cần làm rõ sự vận dụng và phát triển sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tổ chức, sử dụng lực lượng, lựa chọn khu vực tác chiến, cách đánh và tác chiến hiệp đồng binh chủng; tiếp tục khẳng định, nêu bật tầm quan trọng của Chiến thắng; đúc rút kinh nghiệm, bài học có giá trị lý luận, thực tiễn, phát huy tinh thần Chiến thắng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ban tổ chức đã nhận được gần 60 tham luận của các tướng lĩnh; lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; nhân chứng lịch sử, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội.
Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam trình bày Báo cáo đề dẫn hội thảo. |
Hội thảo tập trung làm rõ, khẳng định đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức năm 1974 nói riêng. Phân tích và làm sâu sắc nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức và điều hành chiến dịch; đặc biệt là phát huy vai trò của thế trận chiến tranh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh to lớn để làm nên chiến thắng Nông Sơn-Thượng Đức. Làm rõ vai trò của đảng bộ các địa phương; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang ba thứ quân trên địa bàn...; đồng thời, làm rõ bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch để vận dụng, phát huy vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay.