Chiến thắng đường 5

Đòn đánh trúng huyệt giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 của quân ta đã phá tan thế phòng thủ chiến lược của địch ở chiến trường Tây Nguyên. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho Quân khu 2 tổ chức cuộc rút lui chiến lược về phòng thủ vùng ven biển Nam - Trung Bộ, củng cố lực lượng, đợi thời cơ phản kích chiếm lại Tây Nguyên. Cuộc di tản đó do Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó Tư lệnh  Quân đoàn 2 chỉ huy. Ngày 17-3, quân địch xuống đến địa phận Phú Yên theo đường 7 (nay là quốc lộ 25), cũng là lúc chúng tôi nhận được điện khẩn cấp của Tư lệnh Quân khu 5. Bức điện viết: "Toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên đã rút theo đường số 7 về Phú Yên. Tỉnh đội Phú Yên điều động toàn bộ lực lượng địa phương triển khai bố trí đánh địch trên đường số 7, không cho chúng tháo chạy, điều Tiểu đoàn 96 lên tây Củng Sơn, cùng sư đoàn 320 đánh địch từ Tây Nguyên xuống... Nhận điện chấp hành không hỏi lại.

Tuy nhiên, trước đó từ ngày 16-3, từ Sở chỉ huy tiền phương đóng tại núi Hương (Hòa Mỹ), chúng tôi phát hiện địch sử dụng máy bay lên thẳng vận chuyển cầu tạm lên tập kết ở cánh đồng Thạnh Hội bên sông Ba, cho nên nhận định, địch sẽ vượt sông Ba qua đường 5 (nay là ÐT 645, thuộc huyện Tuy Hòa...). Hơn nữa, trên đường 7, đoạn từ đèo Dinh Ông đến dốc Ðá Ðề, dài khoảng năm km, đồi núi hiểm trở, từ năm 1972 đã bị quân ta bố phòng chông mìn, địch không thể tiếp tế cho quận lỵ Củng Sơn (Sơn Hòa) bằng xe cơ giới, chuyển bằng máy bay. Do vậy, địch sẽ không dám liều lĩnh tiếp tục đi theo đường 7 về thị xã Tuy Hòa. Với nhận định trên, tại cuộc họp quyết định phương án chiến đấu đánh địch vào sáng 18-3, do đồng chí Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, chúng tôi điện báo cáo Tư lệnh Quân khu 5 và hạ quyết tâm: "Tập trung lực lượng đánh quân địch rút lui trên trục đường số 5 từ cầu Ðồng Bò đến ga Gò Mầm, bằng chiến thuật vận động phục  kích, bao vây chia cắt địch, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Thực tế chiến trường đã cho thấy sự nhận định của Tỉnh ủy Phú Yên hoàn toàn đúng đắn.

Chiều 18-3, quân địch vượt cầu phao qua sông Ba và tập kết tại Hòn Kén (Sơn Thành). Ðể bảo đảm kế hoạch di tản của đoàn quân Tây Nguyên, địch điều thêm hai tiểu đoàn lính biệt động từ Nha Trang ra mở đường, đồng thời cho máy bay, pháo binh bắn phá dọc đường 5. Về phía ta, để tạo bàn đạp vững chắc sẵn sàng đón đánh địch từ Tây Nguyên xuống, đêm 18-3, tiến hành tập kích tiêu diệt các cứ điểm Cầu Cháy (Hòa Ðồng), Hòn Sặt (Hòa Phong) giải phóng năm xã phía tây huyện Tuy Hòa 1. Sau đó, toàn bộ lực lượng của ta có được lúc này gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh, ba đại đội đặc công, một đại đội công binh và kể cả lực lượng du kích của huyện Tuy Hòa 1, đều được điều ra bố trí mai phục trên đường 5, từ ga Gò Mầm đến cầu Ðồng Bò, để chặn đánh địch tiếp viện từ Phú Lâm lên và sẵn sàng chia cắt, bao vây tiêu diệt đoàn quân địch từ Tây Nguyên xuống.

Ngày 19-3, toán quân địch đầu tiên vượt sông bắt đầu rời Hòn Kén, có bốn xe tăng mở đường. Ðến cầu Ðồng Bò, địch lọt vào ổ phục kích của Tiểu đoàn 9, ba chiếc bị tiêu diệt tại chỗ nằm ngay trên đường, đoàn quân theo sau lui lại Hòn Kén. Chiếc còn lại chạy đến cầu Tổng (Hòa Bình 2), bị Ðại đội 377 diệt nốt. Hôm sau, chúng dùng 300 xe Honda mở đường. Mỗi xe chở hai lính, được cải trang mặc thường phục để lừa ta, nhưng cũng bị quân ta phát hiện tiêu diệt, phải quay trở lại. Liên tiếp những ngày sau đó, địch tổ chức nhiều đợt phản kích, nhưng ta vẫn giữ vững trận địa, chúng không tài nào tháo chạy được, mà còn bị tiêu hao sinh lực rất lớn. Bị bao vây dài ngày, lương thực thuốc men cạn, mà quân ứng cứu không đến, chúng rất hoang mang.

Trong khi đó, phía Tuy Hòa 2, Tiểu đoàn bộ binh 96 bắt liên lạc được với Sư đoàn 320, hợp đồng đánh chiếm quận lỵ Củng Sơn vào trưa 24-3. Lo sợ quân ta truy kích, chúng vội vã cho máy bay thả bom phá cầu phao, mặc dù còn một lượng lớn xe chưa qua được sông Ba.

Ngày 25-3, phát hiện quân của Sư 320 truy kích phía sau, địch dốc hết lực vào canh bạc cuối cùng, liều chết mở đường máu. Chúng chia thành nhiều mũi có xe tăng yểm trợ đánh vào trận địa Tiểu đoàn 9 chốt chặn khu vực cầu Ðồng Bò, đến đợt thứ bảy, chúng mới tràn lên tháo chạy được, do ta không còn đủ hỏa lực. Ðến Mỹ Thạnh Trung, chúng lại bị Tiểu đoàn 13, Ðại đội 377, Ðại đội 203 chia cắt, chặn đánh quyết liệt. Ðội hình của địch lúc này rất hỗn loạn, vứt cả xe pháo mạnh ai nấy chạy. Nhưng vì địch quá đông, liều chết, cho nên có khoảng 1.000 tên thoát được, số còn lại bị quân ta bao vây bắt sống. Ðến chiều 25-3, quân ta đã làm chủ đường 5, loại khỏi vòng chiến hơn 20 nghìn tên địch, thu hơn 10.000 súng các loại và 300 xe quân sự; phá hủy gần 2.000 xe các loại, trong đó có hơn 100 xe tăng và xe bọc thép.

Như vậy, mặc dù quân địch đông gấp hàng chục lần, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường, quân ta đã cầm chân chúng gần một tuần (19-3 - 25-3). Chỉ trên đoạn đường chưa đến 15 km, từ Hòn Kén (Sơn Thành) đến ga Gò Mầm (Hòa Bình 2), ta đã chia cắt, bao vây giáng những đòn quyết định, đẩy chúng vào tình thế hoảng loạn và tan rã hoàn toàn. Số phận của tập đoàn quân Tây Nguyên rút chạy về đồng bằng đã bị xóa sổ trên đường 5 vào ngày 25-3-1975. Chiến thắng đó đã cổ vũ quân và dân Phú Yên tiếp tục nổi dậy giải phóng Phú Yên vào ngày 1-4-1975. Còn tên tướng Cẩm chỉ huy cuộc di tản đó đã bị bắt sống lúc 10 giờ, ngày 2-4, tại khu vực gần Sân bay Ðông Tác. Chiến thắng của quân và dân Phú Yên trên đường 5 góp phần quan trọng đập tan ý đồ chiến lược rút lui co cụm về đồng bằng của quân ngụy Sài Gòn, tạo thế và lực mới cho cuộc tiến công thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước trong mùa xuân 1975.