Ngày 11/5/2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Về phía thành phố Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, những năm qua, thành phố đã và đang ưu tiên phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế-xã hội, phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề ra mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là của khu vực Đông Nam Á trên một số lĩnh vực.
Thực hiện những mục tiêu này, thành phố đã giao Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030. Dự thảo Chiến lược xác định ba khâu đột phá và bảy giải pháp để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa Thủ đô và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp các chuyên gia triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo và xin ý kiến các các sở, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu lớn trên địa bàn Hà Nội về đánh giá thực trạng và gợi ý định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố. Đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát, các cuộc tọa đàm xây dựng dự thảo Chiến lược, gửi xin ý kiến của các chuyên gia có uy tín trên địa bàn.
Hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đã đồng tình với quan điểm, mục tiêu, nội dung của dự thảo Chiến lược. Đồng thời, nhấn mạnh dự thảo Chiến lược phải nêu bật được vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong đóng góp vào sự phát triển hiện đại, bền vững của Thủ đô và cả nước. Đặc biệt, cần nhấn mạnh tầm quan trọng vị trí, vai trò của Thủ đô như “Hà Nội đi trước”, “Hà Nội đi đầu”, “Hà Nội vượt trội”. Như mục tiêu tới năm 2025, Hà Nội ở vị trí tốp 3 cả nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… Trong đó, tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đóng vai trò dẫn dắt.
GS,TS Trần Khắc Thi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, dự thảo Chiến lược cần phân tích những thành tựu và tồn tại trong hoạt động phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn Hà Nội, nêu rõ nguyên nhân cơ bản của những tồn tại để có mục tiêu và giải pháp phù hợp. Về giải pháp, nên khuyến khích các trường đại học, các viện hàn lâm, viện nghiên cứu ứng dụng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tham gia nghiên cứu các yêu cầu cụ thể để phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Đẩy mạnh kết nối, liên kết hệ thống cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ trên toàn thành phố, trong nước và quốc tế.
PGS, TS Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học và công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất, trong phần giải pháp của dự thảo Chiến lược có thể bổ sung hai giải pháp: Đó là đề xuất đề án thí điểm mô hình sandbox (cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ, dịch vụ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý) để thử nghiệm ứng dụng các chính sách khoa học và công nghệ. Đồng thời, thành phố cũng nên chú trọng giải pháp về P&C (tạo sản phẩm và thương mại hóa) bởi thời gian qua, thành phố mới chỉ tập trung cho R&D (nghiên cứu và phát triển).
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, thành phố mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp trí tuệ, ý kiến xây dựng quý báu, từ đó là cơ sở giúp Sở tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội đến năm 2030 sẽ là bước đột phá quan trọng trong giai đoạn tới, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh.