Trong một xã hội phát triển, sự thay đổi việc làm mang lại nhiều yếu tố tích cực như tạo cơ hội để người lao động có thêm điều kiện học hỏi, phát triển nghề nghiệp, tăng thu nhập trong quá trình thay đổi việc làm. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định đối với đời sống của người lao động, ảnh hưởng đến thị trường lao động nói chung.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng lao động, số người có việc làm có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó, lao động ở khối phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn ba phần năm tổng số lao động có việc làm của cả nước.
Tuy nhiên, tỷ lệ người thay đổi việc làm, tìm việc làm mới cũng có xu hướng tăng lên, nhất là lao động trẻ. Đây cũng là nhóm lao động được đào tạo những kiến thức cơ bản và có khả năng nắm bắt, học hỏi những kỹ năng mới và luôn có xu hướng thay đổi việc làm để tìm kiếm cơ hội mới.
Chị Lê Thu Thủy, 27 tuổi, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, dù mới ra nhập thị trường lao động chưa lâu nhưng chị đã ba lần thay đổi nơi làm việc trong vòng 5 năm trở lại đây.
Sau khi làm việc tại một doanh nghiệp trong nước hai năm, chị đã chuyển sang một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mục đích tăng thêm thu nhập và có cơ hội thăng tiến trong công việc. Tuy nhiên sau đó một năm, chị lại tiếp tục chuyển sang một doanh nghiệp nước ngoài khác khi có cơ hội với mức lương cao hơn, dù áp lực công việc lớn hơn.
Tương tự như trường hợp của chị Thủy, anh Trần Văn Nam, 30 tuổi, quê ở Nam Định sau khi nhận tấm bằng Thạc sĩ ngành kinh tế năm 2020, anh đã xin vào làm việc tại một doanh nghiệp ở Nam Định với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức lương tương đối cao so với một người vừa ra trường.
Tuy nhiên, sau ba năm, anh quyết định chuyển ra Hà Nội để tìm công việc mới với mục đích có cơ hội lập nghiệp tại thành phố với môi trường làm việc năng động hơn.
Giờ đây với mức lương khởi điểm là 10 triệu đồng/tháng tại một công ty tài chính tại Hà Nội, anh cho rằng, mặc dù thu nhập không cao hơn so với công việc cũ nhưng đó là quyết định đúng đắn.
Không có được nhiều cơ hội thay đổi việc làm với mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn như nhóm lao động trẻ, hiện nay việc thay đổi việc làm ở nhóm lao động lớn tuổi hơn cũng diễn ra với xu hướng tăng lên, chủ yếu do mất việc làm tại những doanh nghiệp đã gắn bó lâu năm khi doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc khả năng lao động không đáp ứng được nhu cầu công việc.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chỉ riêng trong tháng 8/2024, có tới 25.000 lao động tìm việc làm thông qua trung tâm, trong đó người lao động tìm kiếm việc làm chủ yếu tập trung ở nhóm từ 25-34 tuổi, chiếm 48,85%; nhóm từ 35 tuổi trở lên có nhu cầu tìm việc khá cao, chiếm 40,95%.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhóm lao động từ 35 tuổi trở lên hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc làm mới. Đây cũng là nhóm có xu hướng thay đổi công việc mang tính chất thụ động, buộc phải tìm việc làm mới do mất việc làm, trong khi trình độ, năng lực có nhiều hạn chế.
Ngoài ra, nhu cầu của các nhà tuyển dụng đòi hỏi 70% vị trí việc làm phải có trình độ kỹ năng về công nghệ thông tin và tin học văn phòng, nhưng hiện nay có tới hơn 60% số lao động hơn 35 tuổi không có bằng cấp kỹ thuật.
Chị Hoàng Thị Hòa, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, chị đã gắn bó với một công ty may mặc tại huyện Hoài Đức hơn 15 năm trong dây chuyền may hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, do yêu cầu công việc đòi hỏi ngày càng cao trong quá trình công nghiệp hóa và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chị không còn đáp ứng được yêu cầu công việc. Hơn một năm nay, chị đã tìm việc tại nhiều công ty may mặc với mong muốn có việc làm, ổn định đời sống nhưng không đủ điều kiện đáp ứng công việc mới; do vậy, chị đành phải chuyển sang tìm các công việc phổ thông khác.
Qua quá trình tìm việc, chị nhận thấy, thị trường lao động phổ thông còn cạnh tranh khốc liệt hơn do số lượng tìm việc quá lớn, mặc dù mức thu nhập không cao.
Trên thực tế, bên cạnh nhóm lao động trẻ có trình độ, tìm việc làm mới để có công việc tốt hơn và mức lương cao hơn, thì nhóm lao động muốn thay đổi việc làm ở độ tuổi trung niên chỉ với mục đích có công việc ổn định và chấp nhận mức lương thấp cho thấy công tác đào tạo nghề và tái đào tạo nghề thời gian qua còn nhiều bất cập, khiến một lượng lớn lao động không bắt kịp với nhu cầu của công việc trong quá trình phát triển.
Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chưa bao giờ tình trạng người “nhảy việc” nhiều như hiện nay; nhân lực thay đổi liên tục ngay trong một cơ sở, một tập đoàn, một đơn vị.
Còn tại cuộc hội thảo “Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn” vừa tổ chức đầu tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra con số, trong sáu tháng qua, có tới 85% số người lao động có nhu cầu chuyển việc nằm trong nhóm lao động trẻ và độ tuổi trung niên.
Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ nay đến cuối năm 2024, thị trường lao động sẽ tiếp tục sôi động, trong đó riêng Thành phố Hồ Chí Minh cần tuyển khoảng 80.000 vị trí việc làm.
Tuy nhiên, hầu hết các vị trí việc làm đều đòi hỏi người lao động có trình độ và đã qua đào tạo, chiếm tới 87% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm hơn 20%, cao đẳng, trung cấp chiếm 47%, lao động phổ thông chiếm hơn 12%.
Điều này cho thấy, cơ hội tìm việc làm mới đối với người lao động có trình độ vẫn luôn tăng cao, trong khi cơ hội đối với người lao động không qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp và có xu hướng giảm dần.
Các chuyên gia về lao động, việc làm cho rằng, thay đổi công việc để có mức thu nhập cao hơn và tuyển dụng nguồn lao động có chất lượng cao là nhu cầu chính đáng của người lao động và của các nhà tuyển dụng lao động.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần đưa ra chiến lược về đào tạo nghề dựa trên cơ cấu ngành nghề nhằm mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững.