Chiêm Hóa tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường... là những đột phá mà huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đang triển khai, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Tân An (Chiêm Hóa) phát triển thương hiệu chè sạch Thôm Lòa.
Người dân xã Tân An (Chiêm Hóa) phát triển thương hiệu chè sạch Thôm Lòa.

Với đặc trưng kinh tế là phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản là thế mạnh, nhất là liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, Chiêm Hóa triển khai nhiều chính sách, giải pháp để phát triển dựa trên thế mạnh của địa phương.

Huyện tiếp tục triển khai quyết liệt các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh như: Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đối với một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Cuối năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa được UBND huyện giao làm chủ đầu tư Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm gà ri tại hai xã Tri Phú và Bình Nhân do Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt (xã Kim Bình) chủ trì dự án. Dự án đã giúp nông dân thay đổi từ phương thức nuôi truyền thống sang nuôi theo hướng an toàn sinh học cho giá trị kinh tế cao.

HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt ký hợp đồng với đơn vị cung ứng con giống, thức ăn, vắc-xin cho 18 hộ dân tại hai xã với tổng đàn 9.500 con gà ri. Sau bốn tháng triển khai, qua đánh giá, đàn gà có tỷ lệ nuôi sống đến lúc xuất bán đạt 95%, cao hơn 2% so với các hộ không tham gia mô hình. Trọng lượng xuất bán đạt trung bình 2,3 kg/con. Với giá bán hiện tại 80.000 đồng/kg, người chăn nuôi tham gia mô hình thu lãi 30.000 đồng/kg.

Gia đình ông Tô Văn Nguyên ở thôn Bản Ba, xã Tri Phú là một trong những hộ tham gia thực hiện dự án cho biết: “Gia đình tôi được hỗ trợ 600 con gà giống ri lai, thức ăn, vắc-xin phòng bệnh cho gà. Nhờ tuân thủ theo đúng quy trình nuôi sinh học cho nên đàn gà khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao. Toàn bộ đàn gà của gia đình được HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt xã Kim Bình nhận bao tiêu. Trong thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng diện tích chuồng trại để tăng đàn nuôi”.

Hùng Mỹ là một trong những xã có truyền thống chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của huyện Chiêm Hóa. Mô hình liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi trâu, bò vỗ béo giữa HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) với HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công (xã Hùng Mỹ) được triển khai theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hiện tổng đàn trâu, bò của xã là 2.248 con, trong đó có gần 30 hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ Ma Đình Sắc cho biết: Hiện nay, sản phẩm thịt trâu tươi và thịt trâu khô Hùng Mỹ của HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là điều kiện để xã tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, tạo dựng sản phẩm đặc trưng, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân.

Năm 2024, Đảng bộ huyện Chiêm Hóa tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành các kế hoạch, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ông Đỗ Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết: Xác định rõ các nhiệm vụ trong giai đoạn 2020-2025 và hướng tới mục tiêu đưa ngành nông nghiệp của huyện đột phá phát triển, Phòng luôn chủ động tham mưu với UBND huyện cụ thể hóa bằng các kế hoạch triển khai, gắn với đề xuất bố trí các nguồn lực thực hiện; kiên trì chỉ đạo các xã, thị trấn sản xuất chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu; thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện tại các địa phương để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Với cách làm đó, hầu hết chỉ tiêu của ngành trong những năm qua đều đạt kế hoạch hoặc vượt mục tiêu Nghị quyết.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai 11 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đều hình thành dựa trên cơ sở cánh đồng mẫu lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ như mô hình liên kết trồng dưa chuột Nhật Bản, liên kết với HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) trồng với diện tích 16,5 ha, tập trung ở các xã Tân Thịnh, Tân An, Hòa An, Nhân Lý, Linh Phú, Kim Bình; mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) với diện tích hơn 257,4 ha, giá trị sản xuất đạt hơn 2,1 tỷ đồng...

Những đột phá trong việc thực hiện Nghị quyết về sản xuất nông nghiệp đã, đang được huyện Chiêm Hóa linh hoạt triển khai, phù hợp xu thế phát triển bền vững.