Từ tận đầu tháng 12 âm lịch, hai cơ quan đại diện Báo chí Việt Nam ở Moscow (LB Nga) hồ hởi bàn bạc kế hoạch tụ tập gói bánh chưng đón Tết. Đặt bao nhiêu lá dong, mua bao nhiêu kg thịt, đỗ, mọi thứ được tính toán cụ thể. Phân công người gói, người phụ cũng đã rõ ràng.
Đùng một cái, bốn người “trong xóm” dương tính với Covid-19. Mọi kế hoạch đổ bể.
Nếu tính thời gian chữa bệnh, cách ly sau khi khỏi bệnh, dễ phải cả tháng mọi người mới có thể gặp nhau. Nghĩa là, Tết này nhà nào biết nhà đó.
Trong bốn người vừa mắc Covid-19 kể trên, phu quân một phóng viên, sau những tổn thương phổi, đã được chuyển đến viện chữa trị. Tết này nhiều khả năng ông phải đón giao thừa trong viện.
Vì không thể gặp gỡ cùng gói bánh chưng, “xóm” đặt mua bánh ngoài chợ, để trang trí mâm cỗ ngày Tết. Xóm cũng hy vọng có thể xin phép bệnh viện chuyển ít hương vị Tết Việt vào cho bệnh nhân của xóm.
Cách đó 500 km về phía nam, chị Xuân Hồ ở thành phố Voronezh (LB Nga) vừa có một đêm không ngủ để trông nồi bánh chưng mà gia đình tự gói. Hằng năm, nhà chị cùng nhiều gia đình khác tập trung cùng gói, cùng nấu. Nhưng năm nay, vì dịch bệnh, gia đình chị hạn chế tiếp xúc.
Trong những ngày trước Tết, giá lá dong từ Việt Nam chuyển sang liên tục tăng. Thậm chí, lá còn cháy hàng. Sau nhiều năm kinh nghiệm, chị đã đặt mua lá dong từ hơn chục ngày trước.
Nhà chín người, gồm năm con nhỏ, gói bánh chưng với chị Xuân là truyền thống quan trọng từ nhiều năm nay. Chị muốn các con biết được phong tục tập quán quê hương, hướng về ông bà tổ tiên những ngày đầu năm mới.
Các con của chị Xuân bày tỏ thích thú bên những tệp lá dong xanh mướt, nắm đỗ xanh tròn mịn, hay những nồi thịt đã ướp đủ gia vị. Khi mẹ hỏi có biết gia đình đang làm gì không, chúng nhanh nhảu: Để ăn Tết Việt Nam phải không mẹ.
Bản thân chị Xuân cũng cảm thấy vui khi được tự tay gói bánh, tự nấu và mang tặng mọi người, kèm những lời chúc sức khỏe đầu năm. “Cảm giác Tết cũng rất gần, dù Việt Nam cách đây hàng nghìn km”, chị nói, “chỉ có điều khác là bên này vì trời lạnh, nên phải đun bằng bếp ga thay vì nấu bằng củi ngoài trời”.
Trên Facebook, cộng đồng người Việt Nam tại Voronezh nói riêng và LB Nga nói chung liên tục đăng tải hình ảnh gói bánh chưng những ngày giáp Tết. “Tôi thấy ai cũng háo hức. Khi xa quê, ai cũng chờ được gói bánh để đón Tết. Phong tục tập quán cổ truyền từ xưa luôn được giữ gìn ở sở tại”, chị Xuân nói.
Những ngày giáp Tết, tình hình dịch bệnh tại thủ đô Moscow có chiều hướng giảm. Hằng ngày, số ca mắc mới ở Moscow chỉ còn vài nghìn ca, thay vì năm hay bảy nghìn người như trước.
Dù giữa tâm dịch, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga vẫn nỗ lực duy trì truyền thống gói bánh chưng cho cán bộ nhân viên.
Trong căn phòng được trang trí phông chữ chào năm mới 2021, cành đào chế từ nhành thông, chị Đỗ Thị Yến, nhân viên Đại sứ quán, bày tỏ tự hào về đặc sản lá dong nếp Hưng Yên trên bàn. Đây là mớ lá chị chuyển từ Việt Nam sang từ cuối tháng 12-2020, do lo ngại không có chuyến bay sau đó.
Sau nhiều năm kinh nghiệm gói bánh, chị Yến tận tình chỉ bảo cho những người mới gói, đồng thời khẳng định, gói bánh chưng tại nước ngoài là truyền thống tốt đẹp, để mọi người nhớ về quê hương những ngày tháng đặc biệt này.
Như thường lệ, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh và phu nhân cũng tham gia gói bánh. Với Đại sứ, gói bánh chưng ngày Tết là dịp sinh hoạt văn hóa đặc biệt. Đây cũng là cơ hội cho các cháu thiếu nhi quây quần hiểu được văn hóa quê hương.
Cũng theo Đại sứ Ngô Đức Mạnh, chiếc bánh chưng là tình cảm mà các nhân viên Đại sứ quán đặt vào, để vừa mang tinh thần Tết Việt đến mọi nhà, vừa dành tặng bạn bè Nga nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Đó là cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước, truyền bá giá trị dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế.