Chia sẻ quốc tế về kiểm soát ung thư cổ tử cung

NDO -

NDĐT - Bên lề Hội nghị APEC đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ngày 24-8, Viện Ung thư Quốc gia, Bệnh viện K phối hợp Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ tổ chức “Diễn đàn đối thoại chính sách và hội thảo chuyên gia về HPV và ung thư cổ tử cung”.

“Diễn đàn đối thoại chính sách và hội thảo chuyên gia về HPV và ung thư cổ tử cung”.
“Diễn đàn đối thoại chính sách và hội thảo chuyên gia về HPV và ung thư cổ tử cung”.

Diễn đàn đã thu hút đông đảo đại diện lãnh đạo Bộ Y tế của nhiều bộ y tế của các nền kinh tế APEC; các chuyên gia, nhà quản lý tại các bệnh viện, trung tâm, khoa ung bướu, sản phụ khoa, các nghiên cứu viên, các nhà kinh tế y tế, hoạch định chính sách liên quan tới tiêm chủng vắc- xin HPV và kiểm soát ung thư cổ tử cung.

Các đại biểu đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các nội dung liên quan tới vai trò của các chương trình tiêm chủng HPV trong kiểm soát ung thư cổ tử cung; Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế khác nhau trong việc đẩy mạnh công tác phòng chống và kiểm soát ung thư tại Việt Nam nói chung đặc biệt là Ung thư cổ tử cung nói riêng.

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung, thường gặp từ độ tuổi 30 trở đi, đứng hàng thứ hai trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc, cũng như tỷ lệ tử vong.

Trong khi các nỗ lực trên toàn thế giới trong lĩnh vực làm mẹ an toàn đã giúp giảm tử vong mẹ xuống 45% trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2015 (từ 543 nghìn người xuống còn 289 nghìn người/năm). Nhưng số phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung đã gia tăng 39% trong cùng thời gian (từ 192 nghìn người lên 366 nghìn người/năm).

Tại Việt Nam, ước tính năm 2010 cả nước có 5.644 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, tỷ lệ mới mắc ung thư cổ tử cung chuẩn hóa theo tuổi (ASR) là 13,6/100.000 phụ nữ. Tỷ lệ này thấp hơn so với khu vực Đông Nam Á (15,8/100.000). Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ và có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp, dễ tiếp cận; và khi phát hiện tổn thương tiền ung thư thì cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiễm một hoặc nhiều tuyp Human Papillomavirus (HPV) nguy cơ cao đã được khẳng định là nguyên nhân tiên phát của ung thư cổ tử cung. HPV là tác nhân truyền qua đường tình dục. Nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời của người phụ nữ là khoảng 80%, với tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra trong độ tuổi từ 20 đến 30.

Tỷ lệ nhiễm mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở Việt Nam liên quan chặt chẽ với tỷ lệ nhiễm HPV, tỷ lệ này cũng cao hơn ở khu vực miền Nam so với miền Bắc.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung bao gồm: quan hệ tình dục sớm hoặc với nhiều người; sinh nhiều con; vệ sinh không đúng cách; viêm cổ tử cung mạn tính; nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp; hút thuốc lá; đái tháo đường; sử dụng thuốc tránh thai đường uống loại phối hợp kéo dài (>10 năm), nhiễm HIV, HSV-2.

Ung thư cổ tử cung tạo ra các gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh, gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội. Năm 2012, tổng gánh nặng trực tiếp của ung thư cổ tử cung khoảng 1.755 tỷ đồng, xếp thử 4 và chiếm khoảng 0,015% GDP; gánh nặng gián tiếp khoảng 418 tỷ đồng, xếp thứ 5 trong số sáu loại bệnh ung thư thường gặp nhất.

Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm nhưng có thể làm giảm tử vong và gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hiện nay phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được phòng ngừa bằng cách sàng lọc, được phát hiện sớm và điều trị các thương tổn tiền ung thư.