Hội thảo là một bước đi cụ thể hóa các nội dung hợp tác được nêu trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Nhật Bản nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản, vào giữa tháng 3-2014. Trong đó, Việt Nam và Nhật Bản cùng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an sinh, xã hội. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hợp tác song phương trong việc phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, bao gồm ung thư và các bệnh liên quan đến lối sống.
Đáng chú ý, hội thảo lần này có sự tham gia của các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái-lan, là cơ hội để các nước cùng nhau trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận khả năng hợp tác trong thời gian tới, cùng hướng đến một Châu Á khỏe mạnh hơn.
Hội thảo cũng tập trung đánh giá chương trình hợp tác giữa ĐH Nagoya và Bệnh viện Bạch Mai, thông qua việc thành lập Trung tâm Nội soi tiêu hóa Việt Nam Nhật Bản, khánh thành tháng 7-2014, đang phát huy hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Đến nay, việc điều trị ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm bằng kỹ thuật cắt tách niêm mạc đường tiêu hóa qua nội soi thực quản dạ dày/đại tràng mà không cần phẫu thuật, đã được các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai thực hiện thành công tại Việt Nam thông qua chương trình hợp tác này.
Nhân dịp này, các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về các bệnh ung thư, bệnh liên quan đến lối sông của Trường ĐH Nagoya cũng giới thiệu những kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị bệnh cũng như cơ hội hợp tác giữa Trường và các nước trong khu vực.
Việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các nước là rất quan trọng khi hiện nay, ung thư đang trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu, có khoảng 14,1 triệu người mới mắc và 8,2 triệu người tử vong do ung thư, trong đó có tới 70% ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. WHO dự báo, thế kỷ XXI, các bệnh không lây nhiễm trong đó có ung thư sẽ là nhóm bệnh chính gây tử vong ở người. Các bệnh nhiễm trùng được đẩy xuống hàng thứ yếu. Hiện, trên toàn cầu có khoảng 20 triệu người đang sống chung với bệnh ung thư. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời thì con số này sẽ lên tới 30 triệu vào năm 2020.
Theo Thứ trưởng Y tế Lê Quang Cường, tại Việt Nam, mô hình bệnh tật hiện đang là mô hình kép, trong đó song song các bệnh truyền nhiễm được đẩy lùi thì các bệnh không truyền nhiễm bao gồm ung thư, tim mạch, đái tháo đường... đang có xu hướng gia tăng giống với các nước phát triển. Các bệnh không truyền nhiễm chiếm tới 71% tỷ lệ mắc và 60,1% tỷ lệ tử vong ở người Việt Nam. Theo ước tính chưa đầy đủ, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 ca tử vong do ung thư.
Tuy ung thư gây tử vong rất lớn, nhưng có tới 40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được và một số ung thư phổ biến nhất, kể cả ung thư vú, đại trực tràng và cổ tử cung… có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.
Với mô hình hợp tác hiệu quả đang được triển khai giữa Trường ĐH Nagoya và Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế rất mong muốn phía Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác hiệu quả này đến các bệnh viện khác trên toàn quốc. Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Quang Cường cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục coi y tế là một lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ trong chính sách ODA trong thời gian tới.