Chìa khóa cho phát triển bền vững

Thực hiện bộ tiêu chí về ESG (môi trường, xã hội, quản trị) là chìa khóa để bảo đảm sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cả cộng đồng. Đây là xu hướng chung của toàn cầu. Các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như Việt Nam cần có chiến lược thực hiện. Các chuyên gia cho rằng, việc thực hành bộ tiêu chí ESG ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm, bởi đây là tiền đề hướng đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Một góc Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển xanh là xu thế tất yếu

Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững. Thời gian qua, Chính phủ cùng các cơ quan, ban, ngành đã có những tuyên bố, cam kết và đề xuất nhiều phương án nhằm thực thi chiến dịch chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Đáng chú ý, Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang tận dụng tối đa những cơ chế, chính sách nêu tại Nghị quyết số 98 để phát triển nhanh, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 theo cam kết của Chính phủ. Cuối năm 2023, thành phố đã ban hành khung chiến lược về tăng trưởng xanh đến năm 2030 và có những quyết sách để thúc đẩy người dân cùng hành động, chung tay cho sự chuyển đổi xanh của địa phương. Các vấn đề này liên quan đến tiêu chuẩn ESG - xu hướng chung trên toàn cầu; đồng thời, là chìa khóa thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, phát triển bền vững gắn liền với kinh tế tuần hoàn hiện đang là xu hướng toàn cầu. Trong đó, việc thực hành bộ tiêu chí ESG ngày càng được quan tâm sâu sắc và nghiêm túc hơn bởi cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, sự phối hợp giữa nhiều tổ chức nhằm đưa ra các thảo luận, ý kiến tổng hợp từ các chuyên gia là rất kịp thời và cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng mang lại những đóng góp tích cực cho Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chính sách phù hợp thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn này trong thời gian tới.

Để thực hành ESG, doanh nghiệp cần có lộ trình và sự đầu tư nghiêm túc ở từng tiêu chuẩn: E-Môi trường, S-Xã hội và G-Quản trị. Các doanh nghiệp cần lưu ý đến yếu tố liên quan đến quản trị, bởi lẽ quản trị tốt sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường, xã hội.

Trong yếu tố về quản trị, vấn đề quản trị rủi ro là điểm cần được chú trọng. Rủi ro ESG hiện nay là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt khi bước vào thực hành tiêu chuẩn này. Để nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức liên quan cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Kiến tạo cho doanh nghiệp thực hiện ESG

Đề cập đến kinh nghiệm quốc tế về thực hành ESG, ông Giandomenico Zappia, thành viên Ban lãnh đạo EuroCham Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh mọi chính phủ, mọi doanh nghiệp đều hướng đến phát triển bền vững, việc đưa ra một báo cáo về môi trường-xã hội-quản trị (ESG) là cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp bảo đảm tuân thủ, xác định rủi ro và cải thiện hiệu suất tốt hơn. Tại EU (Liên minh châu Âu), nhiều quy định đã được ban hành; trong đó, có thể kể tới các định nghĩa xanh trong danh mục phân loại tài chính bền vững EU Taxonomy hay một loạt yêu cầu trong quy định yêu cầu công bố các rủi ro bền vững; yêu cầu thẩm định ESG trong chuỗi cung ứng (CSDDD); cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)... Một quốc gia tại Đông Nam Á là Singapore cũng đưa ra nhiều đề xuất xây dụng lộ trình, chiến lược vận dụng chỉ số ESG trong đa dạng các lĩnh vực như chứng khoán, tài chính... Thời gian qua, Việt Nam đã quan tâm hơn về phát triển xanh. Tuy nhiên, Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra các quy định và hướng dẫn để tăng cường sự minh bạch và thúc đẩy việc thực hành ESG.

Phát triển kinh tế xanh không chỉ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực với môi trường mà còn đem đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới trong mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh. Nhìn từ bối cảnh thế giới, có thể thấy, sau sự khủng hoảng toàn cầu về khí hậu, ô nhiễm môi trường, hàng loạt quốc gia đã đưa ra "luật chơi" mới nhằm phát triển bền vững trong thương mại và đầu tư. Nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới cũng ra đời, trong đó bao gồm yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Hành trình tiến tới phát thải ròng bằng 0 nhằm đáp ứng tiêu chí về môi trường trong bộ tiêu chuẩn ESG thường mất nhiều năm, cho nên doanh nghiệp cần kiến tạo một lộ trình phù hợp để tiếp cận tiêu chuẩn ESG một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu đề ra.

Theo thống kê, năm 2020, quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD; trong đó, 41% là từ ngành năng lượng, 28% từ hoạt động nông, lâm nghiệp, 14% từ hoạt động công nghiệp, 17% từ các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xử lý rác thải và xây dựng. Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam đã giảm khoảng 10-12%/năm và hiện nay, quy mô ước đạt 4-4,5% trong nền kinh tế quốc dân.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được và đánh giá cao tầm quan trọng của việc thực hành ESG. Có đến 80% doanh nghiệp được khảo sát đã cam kết hoặc lên kế hoạch thực hành ESG. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, chỉ khoảng 28% số doanh nghiệp (trong số 80% doanh nghiệp được khảo sát) cho biết: Đã có bộ khung theo dõi và kiểm soát rủi ro ESG. Sự chênh lệch này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu hướng dẫn cần thiết, hoặc ý thức của các cá nhân trong công ty chưa đủ để thực hành một cách nghiêm túc. Như vậy, để theo đuổi và áp dụng hiệu quả các tiêu chí ESG, các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận một cách đúng đắn về sự bền vững mà doanh nghiệp mong muốn, những biện pháp có thể áp dụng, từ đó tìm ra cách tiếp cận phù hợp.