Từ ngày 25-7 đến nay, số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng là 205. Đang có mặt tại điểm nóng nhất miền Trung để chống dịch, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí về công tác phòng, chống dịch thời gian qua.
Đội ngũ y tế sẽ bảo đảm thành công trong công tác phòng, chống Covid-19
Phóng viên: Từ ngày 25-7 đến nay, đã có tám nhân viên y tế đã mắc Covid-19. Theo ông, chúng ta nên làm gì để bảo vệ y bác sĩ khi họ là những người phải điều trị cho bệnh nhân?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Trong cuộc chiến chống Covid-19, thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện là chiến sĩ trên trận tuyến hàng đầu. Trong cuộc chiến, việc bảo vệ cho "chiến sĩ áo trắng" không bị thương rất quan trọng. Ngành y tế Đà Nẵng từ đầu dịch đến giờ, rất buồn là có một số nhân viên y tế mắc bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, đây là những bệnh nhân mắc Covid-19 trước khi phát hiện ra ca đầu tiên (BN416). Sau đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo cho ngành y tế Đà Nẵng tăng cường bảo đảm môi trường an toàn cho bệnh viện, người bệnh, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế.
Nhân viên bệnh viện muốn an toàn phải bảo đảm hai vấn đề. Đầu tiên là phải bảo đảm đủ đồ bảo hộ và thứ hai phải tuân thủ đúng quy trình chống nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, khử khuẩn, lau chùi bề mặt thường xuyên ở trong bệnh viện cũng cần đúng quy trình để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế trong làm việc.
Hiện tại, theo dự trù của các sở y tế, đặc biệt là Sở Y tế Đà Nẵng và Bộ Y tế, trong giai đoạn một, kho dự trữ quốc gia bảo đảm đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế trong thời gian này.
Đối với phương án dài hơi, các cơ sở trong nước cũng được huy động để tăng cường sản xuất khẩu trang, trang phục y tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất cám ơn sự hỗ trợ của cộng đồng trong việc nhập trang phục bảo hộ y tế, các đơn vị trong nước tăng cường sản xuất hỗ trợ ngành y tế.
Phóng viên: Các y, bác sĩ mắc Covid-19 sẽ tác động đến tâm lý nhân viên y tế cũng như làm thiếu hụt nguồn nhân lực điều trị. Họ sẽ được chăm sóc đặc biệt hơn không?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Với nhân viên y tế mắc bệnh cũng sử dụng trang thiết bị, phác đồ, sử dụng đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc như những bệnh nhân khác. Tuy nhiên, chúng ta có khu cách ly riêng để bảo đảm thời gian điều trị và hồi phục, giúp sớm đưa y, bác sĩ quay trở lại hoạt động bình thường, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Phóng viên: Lãnh đạo Bộ Y tế có sự động viên như thế nào với đội ngũ cán bộ y tế bám trụ tại Đà Nẵng trong suốt thời gian bùng phát dịch?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Chúng tôi rất cảm động và trân trọng cảm ơn những thầy thuốc ngành y tế trên mặt trận chống Covid-19 của cả nước và đặc biệt tại TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Trong đợt dịch giai đoạn 2, với sự nỗ lực của thầy thuốc, sự trau dồi chuyên môn không ngừng của đội ngũ thầy thuốc và đặc biệt y đức, tấm lòng hướng đến bệnh nhân, tất cả vì bệnh nhân, có lợi cho người bệnh sẽ làm, thì đội ngũ y tế sẽ hoàn thành nhiệm vụ và bảo đảm thành công trong công tác phòng, chống Covid-19.
Bệnh viện dã chiến đã sẵn sàng
Phóng viên: Việc xây dựng bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng, đâu là yếu tố quan trọng nhất?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Việc xây dựng bệnh viện nói chung và bệnh viện dã chiến nói riêng, quan trọng nhất là hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn cho người bệnh. Trong đó có quy trình tiếp nhận, xử lý, thu dung điều trị. Thứ hai là bố trí phân luồng một cách hợp lý nhất tạo điều kiện bảo đảm môi trường y tế an toàn và tạo điều kiện cho nhân viên thực hiện đúng quy trình y tế.
Chúng tôi đã đi thị sát hiện trường của bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn ở Đà Nẵng. Theo tôi, đây là quyết định kịp thời, sáng suốt của lãnh đạo thành phố và sở y tế. Đây là cơ sở thoáng, có nhiều cửa sổ thông khí. Việc lắp đặt vách ngăn các giường bệnh cũng được triển khai khẩn trương, quyết liệt.
Chúng tôi thường xuyên cử người ở bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Đà Nẵng đến giám sát, xây dựng bệnh viện theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Phóng viên: Đà Nẵng đang phải thực hiện phong tỏa ba bệnh viện lớn, ngành y tế Đà Nẵng đang rất khó khăn cho cả công tác điều trị thông thường và điều trị cho bệnh nhân Covid-19?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Ba bệnh viện công lớn nhất Đà Nẵng là Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng bị phong tỏa, tạo áp lực lớn cho ngành y tế tỉnh này. Chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng tận dụng các hệ thống bệnh viện nói chung, đặc biệt bệnh viện tư nhân tham gia vào tiếp nhận, khám, chữa bệnh.
Phóng viên: Hiện nay, Đà Nẵng đã xây dựng bệnh viện dã chiến. Việc huy động nhân sự của bệnh viện dã chiến được triển khai như thế nào? Khi tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, vượt quá khả năng của bệnh viện dã chiến này, Bộ Y tế có phương án dự phòng nào khác?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Chúng tôi thống nhất với UBND Đà Nẵng, hiện nay Sở Y tế Đà Nẵng sẽ là nơi điều động nhân lực. Bộ Y tế cũng điều động một bác sĩ, một chuyên gia hỗ trợ bệnh viện. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ ngành y tế Đà Nẵng, đưa nhân lực vào bệnh viện dã chiến.
Chi viện tốt nhất cho Đà Nẵng.
Đối với Đà Nẵng, thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị cho phương án người bệnh tăng lên, vượt quá khả năng của bệnh viện Đà Nẵng là tăng cường xây dựng bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Thành phố sẽ tiếp tục sử dụng khu triển lãm để xây dựng bệnh viện dã chiến.
Chúng tôi hy vọng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, ngành y tế Đà Nẵng, sự hỗ trợ của Trung ương sẽ cố gắng giảm bớt số lượng người bệnh thời gian tới.
Bộ Y tế cũng đã giao cho bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ tại Đà Nẵng toàn quyền quyết định nhân lực y tế trên cả nước trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ cho Đà Nẵng. Chúng tôi cũng đã điều động những chuyên gia giỏi nhất.
Trong thời gian tới, nếu dịch bệnh lan rộng, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tiếp chuyên gia về dịch tễ, điều trị, xét nghiệm, trang thiết bị nguồn lực để chi viện cho Đà Nẵng.
Phóng viên: Theo ông, người dân Đà Nẵng nên làm gì để bảo vệ bản thân trước virus SARS-CoV-2?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Tại Đà Nẵng, chúng ta đang cố gắng tận dụng mọi nỗ lực để khoanh vùng những điểm có bệnh nhân dương tính, phân loại, cách ly đối tượng F1.
Tôi hy vọng chúng ta sớm sử dụng công cụ quan trọng là xét nghiệm trong cộng đồng sẽ tiếp tục phát hiện ra F1, cách ly bệnh nhân. Đồng thời, những biện pháp cộng đồng tham gia theo Chỉ thị 16.
Tình hình dịch hiện nay diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều bệnh nhân nặng, tử vong, chúng tôi khuyến cáo người dân Đà Nẵng cần tuân thủ theo chỉ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, người cách người, nhà cách nhà. Lực lượng chính quyền địa phương thành lập tổ Covid-19 cộng đồng nhắc nhở bà con tuân thủ theo quy định Chỉ thị 16, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, báo y tế để có biện pháp phát hiện ca mắc Covid-19 sớm.
Phóng viên: Về công tác điều trị, hiện nay chúng ta có tín hiệu gì đáng mừng, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Đà Nẵng đang có những thiết bị hiện đại nhất được đưa vào điều trị như các máy thở hiện đại, chức năng cao, máy ECMO, máy lọc thận chậm... rất cần thiết cho việc hồi sức, cấp cứu bệnh nhân trở nặng.
Chúng tôi hy vọng chúng ta tiếp tục sử dụng thành tựu nghiên cứu trên thế giới về xét nghiệm mới, thuốc để phát hiện nhanh trường hợp nghi ngờ dương tính trong cộng đồng và tích cực cứu chữa bệnh nhân biến chuyển nặng.
Xin cảm ơn Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn!