Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.738 trường hợp phải thu hồi đất đầu tư xây dựng dự án Vành đai 3 với tổng diện tích đất thu hồi là 410ha; trong đó, thành phố Thủ Đức nhiều nhất với 595 trường hợp, huyện Củ Chi 418 trường hợp, huyện Bình Chánh 393 trường hợp, huyện Hóc Môn 332 trường hợp.
Mới đây Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm tại dự án Vành đai 3 đối với bốn địa phương nêu trên. Mức giá bồi thường này được xem là cao hơn nhiều so với các dự án trước đây của thành phố.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, trong bốn địa phương, thành phố Thủ Đức có giá các loại đất tính bồi thường cao nhất; trong đó, giá đất ở đô thị cao nhất của thành phố Thủ Đức được tính bồi thường là 73,33 triệu đồng/m2; đất trồng cây lâu năm cao nhất là 7,6 triệu đồng/m2; đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản cao nhất trên 7 triệu đồng/m2...
Về hệ số điều chỉnh đơn giá đất tái định cư cao nhất là 55,5 triệu đồng/m2. Tại huyện Bình Chánh, giá bồi thường đất ở và sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ cao nhất là 42,6 triệu đồng/m2 (tại đường Trần Văn Giàu); giá bồi thường đất nông nghiệp cao nhất là 5,5 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, tại huyện Hóc Môn, giá đất ở cao nhất được tính bồi thường là 35,59 triệu đồng/m2; đất sản xuất, kinh doanh giá cao nhất là 20,6 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp giá cao nhất là 5,3 triệu đồng/m2. Tại huyện Củ Chi, giá đất ở đô thị cao nhất được tính bồi thường là 19,5 triệu đồng/m2 (vị trí 1, đường Hà Duy Phiên); giá đền bù đất nông nghiệp từ 2,1 triệu đến 5,29 triệu đồng/m2.
Mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất tại bốn địa phương nêu trên được quy định là K’=2,5 lần giá đất nông nghiệp tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban nhân dân thành phố giao bốn địa phương nêu trên chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ về số liệu diện tích, pháp lý đất, vị trí thửa đất, số trường hợp phải thu hồi đất; các nội dung đã trao đổi với đơn vị tư vấn để xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ cho dự án.
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ước tính, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 là hơn 18.900 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 (từ nay đến trước ngày 30/6) phải giải ngân khoảng 8.800 tỷ đồng.
Diện tích đất nông nghiệp thuộc phạm vi dự án Vành đai 3 chiếm hơn 90% do đó nếu làm theo cách thông thường (bồi thường đất nông nghiệp và đất ở cùng lúc) thì sẽ chậm bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Vì vậy, thành phố quyết định công tác giải phóng mặt bằng dự án chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 sẽ áp dụng cho tất cả trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp có đất nhưng đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn. Dự kiến chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giai đoạn này khoảng 8.800 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 8/2023, bồi thường cho các trường hợp đất ở và đất nông nghiệp chưa đồng thuận, phấn đấu giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 15/11. "Đây là cách làm mới so với các dự án khác, có thể tiết kiệm được hơn 90 ngày so với kế hoạch đề ra; đồng thời có thể bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp để chủ đầu tư khởi công trước ngày 30/6", ông Trực cho biết.
Về công tác tái định cư, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, những hộ dân đủ điều kiện sẽ được tái định cư bằng nền đất, hộ không đủ điều kiện thì bố trí căn hộ chung cư. Những trường hợp quá khó khăn, không đủ tiền trả một lần khi mua căn hộ cũng sẽ được xem xét cho trả chậm, trả góp trong 15 năm. Ngoài ra, thành phố thống nhất, người dân vẫn được xây dựng nhà trước khi bàn giao mặt bằng cho dự án. Cách làm này giúp người dân không bị di dời hai lần, Nhà nước không phải bố trí tạm cư.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đến nay, dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được bố trí 13.500 tỷ đồng để phục vụ công tác bồi thường và khởi công gói thầu xây lắp, trong đó phải giải ngân khoảng 10.000 tỷ đồng trước ngày 30/6. Do khối lượng công việc rất lớn cho nên chủ đầu tư đã không nghỉ lễ để đẩy nhanh tiến độ công việc cũng như mong muốn các địa phương tích cực triển khai công tác áp giá đền bù.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và chủ đầu tư cần làm tốt công tác xác định giá, các chính sách về bồi thường, hỗ trợ để bảo đảm cao nhất quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi cho dự án. Đến cuối tháng 6 phải bàn giao khoảng 80% mặt bằng cho dự án Vành đai 3.
Cũng theo Chủ tịch thành phố, với dự án Vành đai 3, có trường hợp có nhà, đất bị giải tỏa trắng nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư. Trường hợp này thành phố đã chuẩn bị đầy đủ quỹ căn hộ chung cư để bố trí tái định cư cho người dân, bảo đảm tất cả người dân phải có chỗ ở ổn định.