Điều này thể hiện sự quyết tâm của các địa phương, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% mặt bằng để thành phố khởi công dự án này trong tháng 6 năm nay.
Đến trụ sở Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn (Ban Bồi thường) vào sáng chủ nhật (7/5), ông Nguyễn Văn Mái, ngụ ấp 3, xã Xuân Thới Sơn cầm theo đầy đủ giấy tờ pháp lý và thông báo đến nhận bồi thường của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện. Sau khi được cán bộ giải thích và hướng dẫn quy định nhận tiền, ông Mái cung cấp thông tin cá nhân để phía ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mở tài khoản và chuyển tiền vào.
Ông Mái cho hay, diện tích đất thu hồi của gia đình ông gần 6.100m2, loại đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Nhận thấy giá đền bù hợp lý, các thành viên trong hộ đều đồng thuận cho nên ông đồng ý nhận bồi thường sớm để tranh thủ bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương. “Theo tôi, cách làm việc của huyện nhanh gọn, minh bạch. Cán bộ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng cùng Ủy ban nhân dân xã đến tận nhà gửi quyết định và mời người dân đến trụ sở Ban Bồi thường làm thủ tục. Cách giải quyết như thế này minh bạch và hợp lý cho nên chúng tôi đồng tình ủng hộ”, ông Mái cho biết.
Để đẩy nhanh tiến độ chi trả bồi thường cho nên Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn đã kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đến tận buổi tối, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hoàn thành thủ tục sớm.
Qua trao đổi, một số hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi cũng phản ánh, ngoài tiền đền bù theo quy định, người dân đang chờ huyện Hóc Môn sớm chi trả kinh phí hỗ trợ, đào tạo nghề cũng như thực hiện phương án đào tạo, giải quyết việc làm nhằm tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi học nghề, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Anh, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn cho biết: Hiện tại Ban đã huy động hết nhân lực gồm 30 nhân viên làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật, kể cả làm việc ngoài giờ hành chính nhằm hoàn tất hồ sơ, hoàn trả nhanh tiền bồi thường cho các hộ dân. Công tác bồi thường còn bảo đảm không gây phiền hà, nhanh gọn, trên tinh thần giá đền bù sát với giá thị trường.
Đến nay, đã có 120 trong số 332 hộ dân thuộc diện thu hồi đất đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng dự án đường Vành đai 3 cho địa phương với tinh thần đồng thuận cao, số tiền dự kiến chi cho 120 hộ khoảng 500 tỷ đồng. Huyện Hóc Môn cũng phấn đấu đến cuối tháng 5 cơ bản hoàn tất tiến độ chi trả cho 332 hộ với tổng kinh phí gần 1.500 tỷ đồng; đồng thời, cố gắng bàn giao cơ bản mặt bằng cho thành phố khởi công dự án đường vành đai 3 vào cuối tháng 6.
Bắt đầu chi trả đền bù cho người dân có đất bị thu hồi từ ngày 8/5, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức cho biết: Trong đợt 1, thành phố Thủ Đức tập trung chi trả bồi thường đối với 111 trong số 303 trường hợp có đất nông nghiệp bị thu hồi và những trường hợp có đất ở nhưng đồng thuận giao đất trước với số tiền dự kiến chi trả 900 tỷ đồng.
Qua tiếp xúc, vận động, 111 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đều đồng thuận chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và đã đăng ký bàn giao mặt bằng và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tổng số tiền chi trả bồi thường dự kiến đợt 1 đối với 303 trường hợp là 2.300 tỷ đồng. Trong đợt 2, thành phố Thủ Đức sẽ tiếp tục chi trả bồi thường cho 256 trường hợp còn lại. Ông Võ Văn Sáu có đất nông nghiệp ở phường Long Trường phải thu hồi gần 1.700m2 phục vụ dự án Vành đai 3 chia sẻ: “Chỉ trong hai tuần kể từ khi công bố giá đền bù đối với thành phố Thủ Đức, đến nay gia đình tôi đã được Ban Bồi thường mời lên ký hồ sơ, nhận đền bù”.
Theo ông Sáu, quy trình và thời gian giải quyết hồ sơ của địa phương rất nhanh, minh bạch, tạo điều kiện cao nhất cho người dân nhận bồi thường, qua đó chủ động hơn trong việc sử dụng kinh phí bồi thường sau khi bị thu hồi đất. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ cho biết: Tổng kinh phí thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 559 trường hợp trên địa bàn dự kiến khoảng 6.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã chuẩn bị 239 nền đất tại khu tái định cư Long Bình-Long Thạnh Mỹ (Khu Long Bửu, giai đoạn 2) và 150 căn hộ chung cư C8 Man Thiện để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong dự án. Thành phố Thủ Đức tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, phấn đấu hoàn thành công tác thu hồi đất, bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6 theo tiến độ chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn, ngày 9/5, Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh đã chi đền bù đợt một cho 22 trường hợp trong số 393 trường hợp thuộc dự án đường vành đai 3 với kinh phí gần 97 tỷ đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh có 1.738 trường hợp phải thu hồi đất đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 với tổng diện tích đất thu hồi là 410ha, liên quan đến bốn địa phương: Thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi. Trong đó, thành phố Thủ Đức nhiều nhất với 559 trường hợp thu hồi đất, huyện Củ Chi 418 trường hợp, huyện Hóc Môn 332 trường hợp, huyện Bình Chánh 393 trường hợp. |