Ðó là đánh giá trong Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố sáng 9/9. Theo báo cáo, Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, lên vị trí 115/191 quốc gia.
Với chủ đề "Thời đại bất định, cuộc sống bất an: Xây dựng tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi", báo cáo phản ánh nhiều cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt và nỗ lực chung nhằm giảm thiểu tác động đối với sự phát triển của con người. Báo cáo của UNDP nhận định, Việt Nam thuộc Nhóm Phát triển con người cao từ năm 2019 và đã đạt tiến bộ ổn định trong cả ba khía cạnh của HDI kể từ những năm 1990. Chỉ số Bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam (đo lường sự sụt giảm phát triển con người do bất bình đẳng giữa nam và nữ) tiếp tục được cải thiện vào năm 2021. GII của Việt Nam là 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia. Tỷ lệ trẻ em gái đi học và phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng...
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, Giáo sư Jonathan Pincus cho biết, Việt Nam có đủ khả năng để khôi phục đà phát triển vốn sụt giảm do đại dịch. Ông cho rằng, việc triển khai tiêm nhanh chóng và phổ cập vaccine đã giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm áp lực cho các bệnh viện, trạm y tế và trường học. Chính sách linh hoạt và thích ứng của Chính phủ Việt Nam đã giúp các ngành như du lịch và vận tải phục hồi ấn tượng vào năm 2022.
Theo UNDP, biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất với Việt Nam. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào xu hướng tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. UNDP khuyến nghị Việt Nam tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giáo dục-đào tạo và nghiên cứu, để nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia và năng lực điều chỉnh nhanh chóng, linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.