Giá đường thô giao dịch ở mức cao nhất trong 11 năm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục chứng kiện sự phân hóa giữa 2 sắc xanh và đỏ. Đáng chú ý, giá đường thô giao dịch trên Sở ICE New York chạm mức cao nhất kể từ ngày 23/3/2012 khi lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn chiếm ưu thế trên thị trường.
Bất chấp sản lượng mía đường và đường đều được Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của Chính phủ Brazil (Conab) dự báo sẽ có sự nới lỏng trong niên vụ 2022/23, giá đường 11 vẫn tăng mạnh 3,73% trong phiên hôm qua.
Sản lượng đường dự kiến đạt 610,1 triệu tấn, tăng 5.4% so với niên vụ 2021/22, kéo theo sản lượng đường được sản xuất tăng lên 37 triệu tấn, cao hơn mức 36,4 triệu tấn trong niên vụ trước, dự báo từ Conab. Điều này cho thấy triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại quốc gia xuất khẩu đường số 1 thế giới.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực tại Brazil chưa đủ mạnh để đánh bật lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường khi các quốc gia sản xuất lớn khác như Ấn Độ, Trung Quốc hay EU đều dự báo sản lượng giảm trong niên vụ hiện tại. Đây vẫn tiếp tục là yếu tố dẫn dắt thị trường và hỗ trợ giá đường tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, giá bông sụt giảm mạnh hơn 4% khi bán hàng bông Mỹ trong báo cáo hàng tuần của USDA giảm gần 60%.
Bán hàng ròng bông Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/4 ở mức 62.100 kiện, giảm 57% so với tuần trước đó và 72% so với trung bình 4 tuần vừa qua. Đặc biệt, sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu đến từ các quốc gia nhập khẩu chính như Trung Quốc và Việt Nam. Điều này phản ánh tình trạng sự hồi phục về nhu cầu trước đó là chưa ổn định và vẫn là nhân tố hỗ trợ giá ở thời điểm hiện tại.
Tháo gỡ "nút thắt" trong môi trường kinh doanh
Arabica giảm mạnh ngay đầu phiên và duy trì xu hướng này, đóng cửa giá giảm 3,12% so với mức tham chiếu.
Triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 tích cực tại Brazil với hàng loạt dự báo từ các hãng phân tích tư nhân cũng như các cơ quan thuộc Chính phủ, khiến thị trường kỳ vọng tình trạng thiếu hụt trong ngắn hạn gần đây sẽ nhanh chóng được bù đắp khi vụ thu hoạch của Brazil ngày càng đến gần. Điều này góp phần gây sức ép lên thị trường, từ đó kéo giá giảm.
Robusta cũng quay đầu giảm nhẹ 0,5% sau 3 phiên tăng liên tiếp trước áp lực từ việc tồn kho tăng trên Sở ICE ở mức cao tương đối so tuần trước đó.
Tồn kho Robusta trên Sở ICE kết thúc ngày 19/4 đạt 77.050 tấn, giảm nhẹ 540 tấn với báo cáo ngày trước đó. Tuy nhiên, mức tồn kho hiện tại đang cao hơn mức 74.200 tấn vào cuối tuần trước, thể hiện sự nới lỏng nhất định. Điều này phần nào hạ nhiệt những lo ngại về khan hiếm nguồn cung, từ đó hạn chế đà tăng của giá.
Trong bối cảnh người mua từ Ấn Độ có động thái hủy đơn hàng dầu cọ để chuyển sang mua các loại dầu thực vật khác rẻ hơn, tình hình xuất khẩu chậm chạp của Malaysia đã thúc đẩy lực mua đối với dầu cọ.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 04 đạt 696.463 tấn, giảm 25,8% so với mức 938.690 tấn cùng kỳ tháng trước, công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết.
Giá dầu xóa bỏ hầu hết mức tăng đột biến hồi đầu tháng 04
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu gần như đã xoá bỏ hoàn toàn mức tăng đột biến hồi đầu tháng 4, thời điểm mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất ngờ cắt giảm sản lượng. Đây là phiên giảm mạnh hơn 2% thứ hai liên tiếp. Lo ngại về kịch bản suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang là nguyên nhân chủ đạo khiến giá dầu lao dốc trong các phiên gần đây.
Cụ thể, dầu WTI giảm 2,36% xuống 77,37 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3. Dầu Brent giảm 2,43% xuống mức 81,10 USD/thùng.
Lực bán được thúc đẩy ngay từ phiên sáng khi lo ngại 25 điểm lãi suất sẽ được bổ sung trong kỳ họp tháng 5 sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm gia tăng rủi ro suy thoái.
Các dữ liệu kinh tế của Mỹ cũng đã củng cố cho lo ngại này. Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã tăng 5.000 lên mức 245.000 trong tuần kết thúc vào ngày 15/4, cao hơn ước tính của các chuyên gia kinh tế, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ.
Doanh số bán nhà trong tháng 3 cũng giảm 110.000 so với tháng trước, xuống 4,44 triệu căn hộ. Chỉ số sản xuất Fed Philadelphia cũng rơi xuống -31,2 điểm trong tháng trước, thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19.
Loạt dữ liệu tiêu cực này đã thúc đẩy lực bán mạnh đối với dầu thô trên thị trường.
Về mặt cung cầu, Trung Quốc có thể cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế trong đợt thứ hai cho năm 2023. Việc giảm xuất khẩu các sản phẩm dầu từ nhà máy lọc dầu lớn thứ hai thế giới có thể đang phản ánh tình trạng thừa cung trên thị trường dầu khí, vốn đã khiến biên lợi nhuận lọc dầu của châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.
Tăng cường xử lý xăng dầu kém chất lượng
Đợt hạn ngạch thứ hai đối với xuất khẩu xăng, dầu gas và nhiên liệu máy bay có thể nằm trong khoảng từ 8 triệu đến 12 triệu tấn theo cuộc khảo sát từ Reuters. Trong quý đầu tiên, xuất khẩu các loại nhiên liệu này đạt tổng cộng 12,88 triệu tấn, tương đương khoảng 68% hạn ngạch đợt đầu tiên.
Thị trường xăng dầu ở châu Á cũng đang suy yếu nhanh chóng trong mùa cao điểm của khu vực. Lợi nhuận từ việc sản xuất xăng từ dầu thô đã giảm hơn một nửa ở Singapore trong tháng qua xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12.
Về phía cung, lượng dầu bốc dỡ từ các cảng phía tây của Nga trong tháng 4 có thể sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2019, đạt trên 2,4 triệu thùng/ngày, bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng, các nguồn tin giao dịch và vận chuyển cho biết.
Nhu cầu suy yếu, lo ngại suy thoái gia tăng, trong khi nguồn cung tạm thời vẫn đang đảm bảo đã thúc đẩy lực bán mạnh mẽ trên thị trường dầu.
EU với bài toán cân bằng thị trường nông sản
Giá dầu nhiều khả năng duy trì trên vùng 70 USD/thùng
MXV nhận định, hiện tại, những lo ngại về nguồn cung thắt chặt đã được phản ánh hết vào giá dầu trong giai đoạn đầu tháng 4, khi OPEC+ cắt giảm sản lượng kéo giá tăng vọt. Việc giá dầu WTI nửa đầu tháng 4 ở trên vùng 80 USD/thùng cũng hạn chế các vị thế mua mới, do rủi ro về nhu cầu vẫn còn tiềm ẩn.
Do đó, các dữ liệu kinh tế kém tích cực trong các phiên gần đây đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế, có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, và kéo giá dầu giảm mạnh.
Trong giai đoạn tới, triển vọng kinh tế vĩ mô và bài toán tiêu thụ được đánh giá là các tin tức có tác động mạnh hơn tới xu hướng giá dầu, thay vì yếu tố nguồn cung như giai đoạn trước đó.
Nền kinh tế Mỹ có thể sẽ tiếp tục đối diện với một đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào đầu tháng 5. Hoạt động sản xuất đang dần bị thu hẹp, khiến nhu cầu dầu thô và nhiên liệu khác cũng bị hạn chế. Giá dầu WTI có thể sẽ tiến đến vùng 73-75 USD/thùng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, với sự tăng trưởng tích cực hơn dự kiến tại quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc, và nguồn cung trên thực tế vẫn sẽ bị thắt chặt hơn. Giai đoạn mùa hè cũng sẽ là thời điểm nhu cầu tăng cao, giá dầu sẽ khó có thể xuống sâu dưới 70 USD/thùng như hồi giữa tháng 3.