Sắc đỏ bao trùm bảng giá kim loại
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, phần lớn các mặt hàng kim loại đều giảm giá, ngoại trừ quặng sắt và niken LME. Đối với kim loại quý, giá bạc quay đầu giảm mạnh từ mức đỉnh một tháng, cắt đứt chuỗi tăng ba phiên liên tiếp. Nguyên nhân một phần là do giới đầu tư đẩy mạnh chốt lời ở mức giá cao.
Chốt phiên, giá bạc giảm hơn 4% xuống 31,6 USD/ounce. Giá bạch kim cũng giảm hơn 1% xuống mức 940,7 USD/ounce.
Thêm vào đó, giá cả hai mặt hàng đều chịu áp lực sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát tăng vượt dự báo vào hôm qua, làm gia tăng lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ trì hoãn tiến trình hạ lãi suất trong năm 2025. Cụ thể, theo dữ liệu do Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua, trong tháng 11, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này tăng 3,4% so cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo.
Đáng chú ý, so với tháng trước, chỉ số PPI tăng 0,4% trong tháng 11. Con số này vượt qua dự báo của thị trường là tăng 0,2% và là mức cao nhất kể từ tháng 6 năm nay, phản ánh lạm phát tại khu vực đầu nhà máy đang tăng trở lại. Trước đó, dữ liệu cũng chỉ ra lạm phát giá tiêu dùng tăng lên mức cao nhất 7 tháng.
Mặc dù các dữ liệu này không làm thay đổi kỳ vọng của thị trường về việc FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tuần sau, hiện giới đầu tư vẫn đặt cược khoảng 98% khả năng FED sẽ hạ 25 điểm cơ bản, tuy nhiên, việc lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại đang khiến thị trường lo ngại rằng FED có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất trong năm 2025. FED khó có thể thực hiện mức giảm 150 điểm cơ bản vào năm sau như dự báo trong cuộc họp tháng 9. Theo đó, tâm lý bi quan bao trùm lên thị trường đã kéo dòng tiền rời khỏi thị trường kim loại quý khiến giá bạc, bạch kim quay đầu suy yếu.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục giảm 0,45% xuống 9.357 USD/tấn. Trong bối cảnh tiêu thụ vẫn còn trầm lắng, thị trường liên tục xuất hiện những tín hiệu lạc quan về nguồn cung, điều này đang làm gia tăng rủi ro dư cung trên thị trường, qua đó gây áp lực lên giá đồng.
Theo dự báo từ Hiệp hội Khai thác mỏ Quốc gia Chile (Sonami), tổng sản lượng đồng của Chile, quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ đạt 5,4-5,6 triệu tấn vào năm tới, tăng từ khoảng 5,2 triệu tấn ghi nhận vào năm ngoái. Số liệu trước đó cũng chỉ ra Chile đã tăng sản lượng đồng lên gần 489.000 tấn vào tháng 10, tương đương tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3% so với tháng trước.
Giá ngô suy yếu, giá đậu tương đi ngang
Theo MXV, lực bán chiếm áp đảo trên thị trường nông sản trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Với 5 trên 7 mặt hàng giảm giá, ngô là mặt hàng có mức giá suy yếu mạnh nhất trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của Mỹ chững lại.
Trong báo cáo Export Sales, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán ngô trong tuần kết thúc ngày 5/12 ở mức 947.000 tấn, lần đầu tiên giảm xuống dưới 1 triệu tấn trong gần 3 tháng và thấp hơn 45% so với tuần trước. Điều này dấy lên lo ngại hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ đang chững lại, đặc biệt là sự thiếu vắng các đơn hàng mới trong báo cáo Daily Export Sales.
Trên thị trường đậu tương, trong phiên giao dịch hôm qua, giá biến động quanh mức tham chiếu khi các thông tin cơ bản tương đối trái chiều.
Trong báo cáo Export Sales, USDA cho biết Mỹ khối lượng đậu tương trong tuần kết thúc ngày 5/12 giảm gần 50% so với tuần trước và thấp hơn 42% so với mức trung bình hai tháng. Hoạt động giao hàng tuần qua cũng tương đối ảm đạm khi Mỹ chỉ giao 1,86 triệu tấn đậu tương, giảm 24% so với tuần trước đó.
Ở chiều ngược lại, trong Báo cáo Bán hàng Hằng ngày (Daily Export Sales), Mỹ đã bán được một đơn hàng lớn 334.000 tấn đậu tương giao trong niên vụ 2024-2025 cho một nước giấu tên. Sự xuất hiện của đơn hàng mới sau thời gian dài thị trường im ắng đã mang đến những tín hiệu tích cực, cân bằng áp lực bán.
Báo cáo tháng này của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Chính phủ Brazil (CONAB) không có thông tin thay đổi đáng chú ý với thị trường đậu tương nói riêng và toàn bộ các mặt hàng nói chung. CONAB vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2024-2025 của Brazil ở mức 166,2 triệu tấn và xuất khẩu 105,5 triệu tấn trong năm tới. Con số này thấp hơn so với dự báo của một số hãng tư vấn nhưng vẫn cho thấy triển vọng nguồn cung tích cực.
Điều kiện thời tiết hiện tại ở khu vực Nam Mỹ nhìn chung thuận lợi, tuy nhiên vẫn tồn tại một số yếu tố không chắc chắn về dự báo trong tương lai. Đây là yếu tố góp phần khiến giá đậu tương gần như đi ngang trong phiên hôm qua.