Tâm huyết với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chỉ rõ thách thức và quyết tâm chính trị trong phòng, chống tham nhũng

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được công bố mới đây cho thấy những vấn đề mà Tổng Bí thư đặt ra, hết sức cấp thiết và quan trọng đối với đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm "chậm lại" sự phát triển mà ngược lại, là cơ hội để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. (Ảnh: TTXVN)
Việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm "chậm lại" sự phát triển mà ngược lại, là cơ hội để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. (Ảnh: TTXVN)

Toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết tâm nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu mà Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã đề ra. Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới trong giai đoạn tới, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, có không ít khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức được Tổng Bí thư chỉ rõ là: "tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên".

Về vấn đề này, trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (Báo Nhân Dân số ra ngày 13-12-2020).

Thực tiễn, kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước ta là: Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chúng tôi tâm đắc với yêu cầu của Tổng Bí thư: "Toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện tốt hơn nữa các nguyên tắc tổ chức xây dựng Ðảng, nhằm làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng".

Những luận điểm sắc sảo, tâm huyết trong bài viết của Tổng Bí thư thêm một lần khẳng định quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ðây là cuộc chiến cam go, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội; cần có động lực, tiếp sức từ sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, nhất là sự nỗ lực, cộng tác của các cơ quan, đơn vị chức năng, sự chủ động vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của nhân dân.

Chúng tôi nhận thức rõ hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm "chậm lại" sự phát triển mà ngược lại, là cơ hội để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.