Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư trong nước cho thấy sự khởi sắc trở lại. Chốt phiên, giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 40%, đạt mức trên 3.500 tỷ đồng, cho thấy tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam đã dần ổn định trở lại sau những biến động rất mạnh của thị trường trong giai đoạn vừa qua.
Giá dầu nối dài đà giảm do sức ép vĩ mô
Sắc đỏ tiếp tục được duy trì trên thị trường dầu thô khi phiên giao dịch ngày 2/2 kết thúc. Giá dầu thô WTI giảm 0,69% về 75,88 USD/thùng, và giá dầu thô Brent giảm 0,89% về 82,10 USD/thùng.
Trong bối cảnh các tin tức về nguồn cung đã phản ánh vào giá, chất xúc tác chính với thị trường dầu trong phiên hôm qua là các yếu tố vĩ mô. Sắc xanh được duy trì ở thị trường trong phiên sáng, tuy nhiên, sự hồi phục của đồng USD sau đó khiến lực bán xuất hiện và đánh mất đà phục hồi của giá dầu. Chỉ số Dollar Index đã tăng lên 101.75 điểm.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát ra các tín hiệu sẽ ngừng tăng lãi suất trong thời gian tới, tâm lý của các nhà đầu tư được cải thiện, khiến dòng vốn lại được phân bổ nhiều vào các loại tài sản rủi ro, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ. Các thông tin về nguồn cung chưa mang lại nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư, vì thế, thị trường dầu có phần lép vế trước các cổ phiếu tăng trưởng.
Các nhà đầu tư cũng đang rất quan tâm tới các thông tin về lệnh cấm vận sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) với Nga. Ủy ban châu Âu đã đề xuất vào tuần trước rằng từ ngày 5/2, EU áp dụng mức giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa nhận được sự nhất trí giữa 27 quốc gia thành viên, nên hôm nay, các nhà chức trách sẽ họp và tìm kiếm một thỏa thuận về việc thiết lập mức giá trần với các sản phẩm lọc dầu của Nga.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã tiếp nối FED và nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp thêm 50 điểm cơ bản lên mức 4.0%. Các quan chức cũng chuẩn bị cho việc nền kinh tế Anh có thể đối mặt với một đợt suy thoái ngắn sau thời gian dài đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và áp lực lạm phát.
Có thể thấy, những lo ngại về nguy cơ sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại khu vực châu Âu đang lấn át những nỗi lo về nguồn cung, và làm gia tăng sức ép bán lên thị trường dầu trong phiên hôm qua.
Bước sang hôm nay, thông tin được thị trường quan tâm nhất là các số liệu bảng lương phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ. Sau khi lạm phát đã được hạ nhiệt, các nhà đầu tư muốn chứng kiến sự bền bỉ của thị trường việc làm trước các đợt tăng lãi suất.
Giá khô đậu tương tiệm cận mức cao nhất lịch sử
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/2, cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Giá đậu tương bật tăng ngay khi mở cửa và duy trì đà tăng nhẹ. Lo ngại về tiến độ mùa vụ tại Brazil tiếp tục đang là thông tin hỗ trợ giá trong ngày hôm qua.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn AgRural, tiến độ thu hoạch đậu tương tại Brazil tính tới cuối tuần trước đạt 5% kế hoạch, thấp hơn so cùng kỳ năm trước và trung bình lịch sử. Thời tiết ẩm ướt do mưa lớn và thường xuyên tại khu vực miền trung nước này tiếp tục trì hoãn hoạt động thu hoạch sớm và dự báo sẽ có mưa nhiều hơn trong tuần này ở miền trung Brazil. Tuy vậy, mưa có thể giảm bớt trong tuần tới và thời tiết khô nóng hơn sẽ giúp đậu tương chín nhanh cũng như thúc đẩy việc thu hoạch của nông dân. Việc thu hoạch bị trì hoãn cũng là nguyên nhân góp phần khiến nguồn từ Brazil sụt giảm trong tháng trước.
Theo số liệu từ Ban thư ký ngoại thương Brazil (Secex), nước này đã xuất khẩu 0,85 triệu tấn trong tháng 1, thấp hơn so với mức 2,02 triệu tấn trong tháng 12 và mức 2,45 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, tồn kho đậu tương của Brazil nhiều khả năng đang ở mức thấp và có thể giúp cho Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu trong ngắn hạn. Thông tin trên cũng đã góp phần hỗ trợ giá.
Ở hướng ngược lại, báo cáo Xuất khẩu hằng tuần (Export Sales) phát hành ngày hôm qua cho thấy bán hàng đậu tương niên vụ 2022/23 của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 26/1 đã giảm 35,8% so với tuần trước đó xuống còn 735.951 tấn. Dù vậy, lũy kế bán đậu tương từ đầu niên vụ của Mỹ vẫn đang cao hơn 4,5% so cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã khiến sức ép từ các thông tin trên có phần được hạn chế trong ngày hôm qua.
Tương tự đậu tương, cả hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu và dầu đậu đều đồng loạt tăng giá. Khô đậu tương đã tăng gần 1,5% đóng cửa ở gần mức giá cao nhất lịch sử. Từ khi mở cửa thì lực mua đối với khô đậu đã được đẩy mạnh và duy trì đến cuối phiên. Triển vọng nhu cầu được cải thiện sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và lo ngại tình trạng hạn hán tại Argentina tiếp tục là thông tin đang nâng đỡ giá. Đối với dầu đậu, giá cũng đã tăng nhẹ khi được hỗ trợ bởi diễn biến của đậu tương.
Chi phí thức ăn chăn nuôi nước ta hiện vẫn ở mức cao
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá thịt lợn hơi nội địa biến động trái chiều từ 1.000-2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg.
Cũng trong sáng nay, tại cảng Vũng Tàu, giá chào khô đậu tương tiếp tục tăng nhẹ lên mức 15.700 đồng/kg cho thời hạn giao hàng tháng 2 năm nay. Đối với kỳ hạn giao tháng 3, giá chào bán khô đậu tương dao động trong khoảng 14.300-14.400 đồng/kg, thấp hơn một chút so với giá tại cảng Cái Lân.
Theo MXV, giai đoạn này thường là thời điểm quan trọng đối với thị trường nông sản thế giới trong năm vì các yếu tố phản ánh triển vọng nguồn cung sẽ tác động mạnh mẽ tới giá nhất. Với bối cảnh hiện tại, giá ngô và đậu tương vẫn đang được hỗ trợ do thời tiết bất lợi ở Nam Mỹ. Chi phí thức ăn chăn nuôi ở nước ta vẫn sẽ ở mức cao nên các doanh nghiệp, nhà máy, nhà chăn nuôi nên thận trọng trong kế hoạch tái đàn sau dịp Tết Nguyên đán.