Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiều không thể nào quên trường hợp hy sinh của kỹ sư Nguyễn Văn Nhiên, người bạn học thân thiết của anh ở khóa 2, khoa công trình quân sự - Học viện kỹ thuật quân sự. Anh Nhiên hy sinh năm 1973 trong một lần đi xử lý bom mìn ở đường Trường Sơn. Cái chết của người bạn thân và nhiều đồng bào, đồng chí khác vì bom mìn để lại sau chiến tranh đã thôi thúc anh Kiều và đồng nghiệp ở Viện Kỹ thuật công binh cần phải chế tạo một Robot dò tìm bom mìn, góp phần hạn chế thương vong của người lính công binh trên mặt trận thầm lặng nhưng gian khổ này.
Robotcar là gì?
Hỏi: Thưa đại tá Nguyễn Xuân Kiều, vậy Robotcar là gì?
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện nay còn khoảng 100 triệu quả bom mìn đang nằm dưới đất ở các nước đã qua chiến tranh, trong đó có Việt Nam. Chúng không những làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế mà hằng năm giết chết 8.000 người, làm 20.000 người bị thương, trong đó có 25% là trẻ em. |
Đại tá Nguyễn Xuân Kiều: Đơn giản là chúng tôi ghép từ Robot (người máy) với từ car (xe) cho dễ gọi, nghĩa là chiếc xe mang vật thể Robot được điều khiển tự động và bán tự động hỗ trợ con người trong nhiều công việc trước mắt là dò tìm và xử lý bom mìn.
Hỏi: Từ trước tới nay đã có Robotcar nào như thế này được chế tạo tại nước ta chưa ?
Đại tá Nguyễn Xuân Kiều: Phải khẳng định rằng, đây là Robotcar dò tìm bom mìn đầu tiên được chế tạo thử nghiệm thành công ở Việt Nam.
Hỏi: Nhưng chắc chắn với thế giới thì không hiếm và các anh có tham khảo thành tựu của một số nước chứ ?
Đại tá Nguyễn Xuân Kiều: Sản phẩm Robot xuất hiện đầu tiên trên thị trường vào năm 1961 và từ đó đến nay, nó đã được ứng dụng để thay thế con người trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh quốc phòng, kinh tế, đời sống xã hội...
Trong lĩnh vực quân sự ở một số nước có nền khoa học tiên tiến, Robot đã được sử dụng nhiều. Quân đội Mỹ và khối NATO, ngoài những Robot có những chức năng như trinh sát, do thám, điều khiển vũ khí, hàng không vũ trụ... còn trang bị hơn 500 Robot có chức năng dò tìm và tháo gỡ bom mìn và chất nổ, phục vụ nhiệm vụ chống khủng bố. Trong khu vực, quân đội Thái-lan đã chế tạo và sử dụng Robot làm nhiệm vụ cảnh giới, canh gác kho tàng, bến bãi, khu vực quân sự.
Trong quá trình chế tạo Robotcar, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều Robot dò tìm, tháo gỡ bom mìn của một số nước như Robot Cyclops của Anh, Robot tháo gỡ bom Hornet TSR80 của l-xra-en, Robot RM-35 của Pháp, Robotcar -MURV/100 của Mỹ... Còn ở trong nước, chúng tôi nghiên cứu các tài liệu của các Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Học viện kỹ thuật Quân sự... Chúng tôi rất chú trọng đến các cuộc thi Robotcon ở Việt Nam và châu Á.
Hỏi: Vậy tính ưu việt của Robotcar của các anh chế tạo so với Robot nước ngoài?
Đại tá Nguyễn Xuân Kiều: Trước hết là giá thành của chúng tôi rẻ hơn rất nhiều lần: Giá một Robot nước ngoài khoảng 4-6 tỷ đồng. Robotcar của chúng tôi chế thử thành công kinh phí chỉ 150 triệu đồng. Tuy vậy, nó còn những mặt hạn chế như tính cơ động, linh hoạt chưa cao do công suất còn nhỏ, chưa hoạt động được ở địa hình gồ ghề, rừng núi. Chúng tôi ước tính, để chế tạo một Robotcar chuẩn mực tương tự Robot nước ngoài, chúng tôi cần đầu tư 1 tỷ đồng.
Vạn sự khởi đầu nan
Hỏi: Thưa anh, kinh phí eo hẹp, nguyên vật liệu không có trong tay mà các anh vẫn dám chế tạo Robot?
Đại tá Nguyễn Xuân Kiều: Khi chúng tôi bảo vệ đề tài, một số đồng chí trong Hội đồng thẩm định cũng có ý kiến như anh, nghĩa là cho rằng chúng tôi đã quá mạo hiểm khi chỉ có 150 triệu đồng trong tay, nghĩa là chỉ bằng một nửa dự toán để làm Robot.
Nhưng anh em chúng tôi vẫn quyết tâm làm vì tin vào khả năng của chính mình. Quả thật, bắt tay vào việc mới thấy rất nhiều khó khăn. Do linh kiện phải mua ở thị trường trôi nổi nên nhiều lúc không đúng với ý tưởng thiết kế, vì vậy khâu thiết kế phải thay đổi nhiều lần cho hợp với túi tiền! Mặc dù vậy, đội ngũ khoa học của Viện chúng tôi, nhất là anh em trẻ, được sự giúp sức của Viện Tự động hóa quân sự đã làm ngày làm đêm để sáng tạo mặc dù không có tiền bồi dưỡng.
Một khó khăn tưởng như nan giải là làm sao để Robotcar vượt được những địa hình đồi núi hoặc gồ ghề. Vì muốn làm được điều đó, mỗi bên xe phải có tám bánh chủ động để đẩy xe đi. Ban đầu chúng tôi thử nghiệm đai chuyền nhưng không được, sau đổi sang bánh xích. Nhưng nếu đúng như thiết kế thì với số tiền ít ỏi được cấp thì cũng chẳng đủ để mua xích, bởi xích chuyên dụng cho loại này phải bằng cao-su có cốt bằng thép.
Cuối cùng, chúng tôi chế tạo xích ứng dụng, mặc dù không đạt như ý muốn nhưng cũng dùng được. Hoặc là theo thiết kế động cơ của Robotcar có hộp số bên trong nhưng không mua được nên dù sao cũng hạn chế tốc độ của nó.
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi vẫn khẳng định: Robotcar của Viện Kỹ thuật công binh và Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự chế tạo có tính năng tương đương với các Robot nước ngoài.
Hỏi: Điều quan trọng là đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Trung tâm khoa học kỹ thuật-công nghệ quân sự như thế nào ?
Đại tá Nguyễn Xuân Kiều: Các anh đánh giá rất tốt! Đại tá-tiến sĩ Hồ Xuân Vĩnh, trưởng phòng nghiên cứu của Trung tâm cho rằng: "Đề tài có giá trị sử dụng nhất định, đã đạt được 15/17 chỉ tiêu"; Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Quang Hùng, Phó viện trưởng Viện tự động hóa phát biểu: "Báo cáo khoa học hoàn chỉnh đầy đủ, nội dung tốt. Đã biết kết hợp với các chuyên gia đầu ngành"; còn đồng chí Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đã nói: "Ngành công binh rất cần Robotcar để phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng-an ninh"...
Hỏi: Nhưng dù sao Robotcar này chỉ mới là công nghệ, còn để sử dụng nó cần phải một quá trình nữa...?
Đại tá Nguyễn Xuân Kiều: Vạn sự khởi đầu nan! Ở Viện chúng tôi chưa có một đề tài nào nằm im trong phòng thí nghiệm và tôi tin Robotcar cũng vậy. Tất nhiên chúng tôi phải hoàn thiện tiếp các bộ phận như leo cầu thang, leo địa hình... để đưa nó vào sử dụng.
Sắp tới, chúng tôi sẽ mời Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn tham gia trong Hội đồng chế tạo Robot với tư cách là tham mưu tư vấn của người ứng dụng. Như thế, đề tài sẽ nhanh chóng được đưa vào thực tế.
Mặt khác, chúng tôi đã có những "đầu ra" khác: Tôi đã tiếp xúc với các anh ở Bộ Tư lệnh cảnh vệ (Bộ Công an), Thành phố Hồ Chí Minh. Các anh ấy rất cần Robot này...
Làm chủ công nghệ
Hỏi: Có thể thấy rằng trong thời đại kinh tế hội nhập hiện nay, việc nhập khẩu Robot như các anh vừa chế tạo là không khó, tuy giá thành có cao nhưng chất lượng sẽ tốt hơn...
Đại tá Nguyễn Xuân Kiều: Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã chứng minh được rằng, đội ngũ khoa học Việt Nam nói chung và cán bộ khoa học quân sự nói riêng đã làm chủ được công nghệ tự động hóa. Mặt khác, chế tạo Robot dò tìm và xử lý bom mìn còn thể hiện sự khao khát khám phá khoa học, khao khát về một đất nước hoà bình của anh em cán bộ chúng tôi.
Hỏi: Nhưng dù sao Robotcar vẫn mới chỉ là mẫu chế tạo thử. Muốn chế tạo nhiều Robot, chúng ta cần phải có nơi sản xuất.
Đại tá Nguyễn Xuân Kiều: Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự chúng tôi có xưởng sản xuất đủ sức chế tạo Robotcar không hề thua kém nước ngoài. Nhưng như tôi đã nói, vấn đề còn lại là kinh phí. Mặt khác, khi đề tài thành công và trên yêu cầu chuyển giao công nghệ cho một nhà máy nào đó thì chúng tôi sẵn sàng, bởi vì chức năng của chúng tôi là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Nhưng muốn thế, chúng tôi cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện một cách chắc chắn, sau đó đăng ký bản quyền thì mới bán bản quyền được. Giờ chưa ai mua vì chưa ổn định, nên chúng tôi phải tự sản xuất. Khách hàng đặt hàng, chúng tôi chế tạo, xong đó kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá kết quả....
Hỏi: Như vậy, tương lai của Robotcar ở Việt Nam là khả quan, không những trong lĩnh vực xử lý mom mìn mà còn trong các lĩnh vực sản xuất, phục vụ đời sống?
Đại tá Nguyễn Xuân Kiều: Việc chế tạo Robot đối với Việt Nam là cấp thiết, vì vậy chúng ta đã thành lập Hội Robot. Điều đó cũng phù hợp với thời đại tự động hóa.
Tiềm năng chế tạo Robot của đội ngũ khoa học Việt Nam rất lớn. Đơn cử là sinh viên chúng ta đã ba lần giành giải nhất cuộc thi Robotcon châu Á. Đối với các cuộc thi trong nước, học viên các trường quân đội đều tham gia đông đảo và đạt giải cao. Trong tương lai, việc ứng dụng tự động hóa trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và quân sự là đều đương nhiên, không ai có thể cưỡng lại được. Ngành công nghiệp quốc phòng nước ta cũng rất cần Robot để thay thế con người trong môi trường độc hại, nguy hiểm.
Với đội ngũ cán bộ khoa học về tự động hóa đông đảo, tôi tin việc ứng dụng tự động hóa trong mọi lĩnh vực là điều không quá khó khăn. Chỉ duy nhất một điều là Nhà nước cần có chiến lược đầu tư sao cho nghiên cứu phải gắn với thực tiễn.