Cháy rừng ở Quảng Ngãi đe dọa an toàn đường dây 500kV

NDO -

Cuối tháng 7, đầu tháng 8, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp xảy ra các vụ cháy khiến hàng chục héc-ta rừng bị thiêu rụi, gây thiệt hại về người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành an toàn đường dây 500kV. 

Cháy rừng tại xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) gây ra sự cố nghiêm trọng đến việc cung cấp điện của đường dây 500kV mạch 3, đoạn Dốc Sỏi-Pleiku 2.
Cháy rừng tại xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) gây ra sự cố nghiêm trọng đến việc cung cấp điện của đường dây 500kV mạch 3, đoạn Dốc Sỏi-Pleiku 2.

Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy là do một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc đốt dọn thực bì. Đây là hiểm họa cần phải loại bỏ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất cháy rừng.

Chết người, gây sự cố lưới điện quốc gia

Theo ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 3 đến nay, nắng nóng kéo dài diễn ra trên diện rộng nên nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn ở cấp nguy hiểm (cấp IV) và cực kỳ nguy hiểm (cấp V).

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra hơn 30 vụ cháy rừng gây thiệt hại trên 28,3 ha, trong đó gồm 6,80 ha rừng tự nhiên và gần 22 ha rừng trồng. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 số vụ cháy rừng tăng nhanh, có ngày xảy ra bốn vụ cháy rừng, gây thiệt hại về người và ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Cụ thể, trưa 7/8, tại thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng xảy ra một vụ cháy rừng gây thiệt hại về người và tài sản của người dân. Sau hơn 3 giờ nỗ lực chữa cháy, lực lượng chức năng và người dân mới dập tắt hoàn toàn đám cháy, song gần ba héc-ta rừng keo và cây quế của người dân bị thiêu rụi. Vụ cháy khiến bà Hồ Thị Huệ (60 tuổi, ở thôn 2, xã Trà Thủy) chết ngạt do bất cẩn khi đốt dọn thực bì để cháy lan nên không thể thoát ra khỏi đám cháy.

Hiểm họa cháy rừng ở Quảng Ngãi -0
Hầu hết các vụ cháy rừng ở Quảng Ngãi đều do người dân bất cẩn trong việc đốt thực bì.  

Sáng 5/8, cũng do người dân đốt thực bì sau khi khai thác rừng trồng keo dẫn đến đường dây 500kV mạch 3, đoạn Dốc Sỏi-Pleiku 2 chạy qua địa bàn huyện miền núi Sơn Hà bị sự cố nghiêm trọng. 

Ông Đặng Lê Minh Mẫn, Giám đốc Truyền tải điện Quảng Ngãi, đơn vị quản lý vận hành đường dây 500kV mạch 3 cho biết, qua kiểm tra, đơn vị phát hiện gần các vị trí khoảng cột 99-100 và 100-101 (xã Sơn Linh); khoảng cột 114-115 (xã Sơn Thủy); khoảng cột 129-130 (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà) có các đám cháy. Các đám cháy này do người dân địa phương đốt thực bì ngoài hành lang, cách xa đường dây tải điện. Tuy nhiên, gặp thời tiết nắng nóng, kết hợp gió mạnh nên đám cháy tại khoảng cột 99-100 bùng phát dữ dội, sau đó lan vào rừng phòng hộ nằm dưới tuyến đường dây tải điện, gây khói bụi kết hợp gió làm ảnh hưởng nghiêm trọng việc vận hành an toàn lưới điện quốc gia.

“Để tiếp cận hiện trường, lực lượng chữa cháy phải đi bộ 2-3 giờ đồng hồ, trong khi dụng cụ chữa cháy thô sơ, đám cháy rộng lớn nên việc chữa cháy rất khó khăn. Hàng trăm con người vất vả từ sáng đến khuya mới tạo ra vành đai ngăn lửa cháy lan và dập tắt được đám cháy, đóng điện trở lại”, ông Đặng Lê Minh Mẫn chia sẻ.

Cần xử lý nghiêm đối tượng gây cháy rừng

Hiểm họa cháy rừng ở Quảng Ngãi -0
 Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra bảo vệ rừng. 

Đường dây 500kV mạch 3, đoạn Dốc Sỏi-Pleiku 2 chạy qua địa bàn bốn huyện của tỉnh Quảng Ngãi với chiều dài gần 90 km vừa đóng điện hôm 29/6 vừa qua. Đây là công trình nằm trong hệ thống truyền tải điện 500kV được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Theo ông Đặng Lê Minh Mẫn, việc người dân đốt thực bì dẫn đến không kiểm soát được đám cháy gây ra sự cố đường dây đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp điện trong nhiều giờ, làm mất an toàn vận hành lưới điện, ảnh hưởng đến phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia.

“Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra, xử lý nghiêm vụ việc vi phạm nhằm răn đe, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Dứt khoát không để tình trạng này lặp lại nhằm bảo đảm vận hành an toàn truyền tải điện bắc-nam”, ông Đặng Lê Minh Mẫn đề nghị.

Ở Quảng Ngãi, thời gian qua, số vụ cháy rừng phát hiện được đối tượng xử lý rất ít nên tác dụng giáo dục răn đe, phòng ngừa chung trong cộng đồng chưa cao.

Để giảm thiểu thiệt hại, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đại cho rằng, bên cạnh tổ chức thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó xác định phòng cháy là chính, các địa phương cần phải xử lý nghiêm chủ rừng vi phạm quy định “không thông báo thời gian, địa điểm đốt thực bì sau khi khai thác rừng trồng cho kiểm lâm địa bàn, trưởng thôn”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, các sở, ngành chức năng và địa phương trong tỉnh phải đổi mới cách nghĩ, cách làm trong việc tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng, xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục. Trong đó, cùng nhau bàn bạc, xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền cụ thể, phù hợp với thực tế từng vùng, từng địa phương, từ đó thông qua các kênh, kể cả mạng xã hội đưa việc tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng đến với người dân, nhất là các chủ rừng. Bên cạnh đó, giữa kiểm lâm, chính quyền địa phương, chủ rừng và các lực lượng khác cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc cùng chung tay phòng cháy, chữa cháy rừng.

“Lực lượng kiểm lâm phải đóng vai trò nòng cốt trong việc hướng dẫn cho chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch, thời gian đốt thực bì và buộc chủ rừng phải làm đúng theo phương án đã đưa ra, xóa bỏ ngay cách đốt thực bì tùy tiện, mạnh ai nấy làm như lâu nay”, đồng chí Trần Phước Hiền nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu chủ rừng phải nâng cao trách nhiệm của mình, nhất là trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy để có thể ứng phó hiệu quả ngay khi đám cháy vừa mới bùng phát. Các ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng bằng flycam, bằng ảnh vệ tinh…

Trong thời kỳ nắng nóng cao điểm, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương phải cử người túc trực, bắt buộc người dân khi vào rừng phải khai báo rõ ràng để quản lý. Đối với các trường hợp vi phạm gây cháy rừng, tỉnh giao trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo công an địa phương xác minh, truy rõ ai là người gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.