Chạy đua với thời gian để định danh hài cốt liệt sĩ

Sau ba năm thành lập (từ tháng 7/2019), Trung tâm Giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tối ưu hóa được nhiều khâu trong quá trình giám định hài cốt liệt sĩ, số lượng kết quả mẫu giám định sẵn sàng đối khớp với thông tin của thân nhân ngày càng tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Phân tích trình tự ADN hài cốt liệt sĩ tại Trung tâm Giám định ADN.
Phân tích trình tự ADN hài cốt liệt sĩ tại Trung tâm Giám định ADN.

Đó là kết quả bước đầu của các nhà khoa học trẻ trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ vào giám định hài cốt liệt sĩ-một lĩnh vực nhiều khó khăn, phức tạp.

Chia sẻ về công việc giải trình tự ADN hài cốt liệt sĩ, nghiên cứu viên Phạm Phương Dung cho biết, do công việc khá đặc thù, hằng ngày các cán bộ đều cần có mặt ở trung tâm sớm và về muộn để vận hành máy liên tục, đạt được tối đa công suất. Mỗi lần giám định là một lần hồi hộp, nhiều tình huống có thể xảy ra, như mẫu hài cốt tách chiết được ADN nhưng giải trình tự bị hỏng, hay cho ra đoạn trình tự gien quá ngắn, không đủ thông tin để kết luận. Những lần giải trình tự ADN bị hỏng, không có cách nào khác là phải làm lại từ đầu, đồng nghĩa với việc các cán bộ phải thức cùng máy tới 10 giờ tối.

Phạm Phương Dung là cán bộ trẻ, du học ngành kỹ thuật di truyền ở Australia về làm việc tại Trung tâm ngay từ những ngày đầu thành lập. Giờ đây Phạm Phương Dung là một nghiên cứu viên nhiều kinh nghiệm trong việc khuếch đại, tinh sạch ADN hài cốt liệt sĩ và đưa ADN lên máy giải trình tự.

ThS Hoàng Hà, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giám định ADN cho biết, Trung tâm đã thu hút được đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ và nhiệt tâm với công việc. Tinh thần làm việc khoa học, khẩn trương luôn được duy trì ở các công đoạn của quy trình giám định bởi có hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin, chất lượng mẫu hài cốt càng để lâu càng khó giám định, thậm chí không thể giám định.

Chính vì vậy, khi chia sẻ với chúng tôi về công việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ tại các nghĩa trang, giám định viên Trần Việt Vinh nhấn mạnh, thành công của mỗi chuyến đi không chỉ là lấy được nhiều mẫu hài cốt nhất có thể mà kỹ thuật lấy phải bảo đảm có mẫu chất lượng nhất; không chỉ tuân thủ quy trình lấy mẫu theo chuẩn quốc tế, mà cán bộ ở đây phải liên tục rút ra cho mình những kinh nghiệm thực tế để tối ưu hóa quy trình. Nhờ đó, mẫu hài cốt bị thất bại trong giám định dần ít đi.

Được biết, quy trình giám định ADN hài cốt liệt sĩ khá phức tạp, các mẫu hài cốt phải được làm sạch bề mặt, sau đó xử lý với hóa chất, nghiền nhỏ, lấy ADN khuếch đại, giải trình tự và cuối cùng là phân tích kết quả giải trình tự để bàn giao cho cơ quan chức năng. Tách chiết ADN là khâu khó và mất nhiều thời gian, có khi cần cả tháng vì các mẫu hài cốt hầu hết đã mục nát, ADN bị phân hủy theo thời gian. Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã giám định được 4.276 mẫu hài cốt liệt sĩ, từ đó có 1.205 kết quả giám định ADN sẵn sàng ghép nối với dữ liệu của thân nhân liệt sĩ để định danh. Số mẫu hài cốt giám định không cho ra kết quả khá nhiều nhưng lãnh đạo Trung tâm cho biết sẽ quyết tâm nghiên cứu, tìm công nghệ để tách bằng được ADN, việc giám định chỉ dừng khi mẫu giám định hết.

Dù công việc có nhiều vất vả, nhưng với sức trẻ, sự sáng tạo và tận tâm với công việc của các cán bộ tại Trung tâm, quy trình giám định luôn được tối ưu, tốc độ giám định đã được đẩy nhanh hơn trước đây. Từ chỗ giám định được tối đa 96 mẫu/tuần, hiện đã tăng lên 120 mẫu/tuần, nhiều thiết bị hiện đại được vận hành như máy tách chiết ADN số lượng lớn, hệ thống giải trình tự ADN thế hệ mới, máy tách chiết ADN tự động…

Chia sẻ với chúng tôi về những áp lực trong công việc phân tích kết quả giám định, nghiên cứu viên Nguyễn Ngọc Nam cho biết, mỗi kết quả giám định là một lần “cân não” trước nhiều thông tin, dữ liệu để kết luận kết quả giám định đó đúng hay không và thật khó khăn khi thông báo những kết quả giám định không như mong đợi của thân nhân liệt sĩ. Niềm vui trong công việc là những lá thư cảm ơn của thân nhân liệt sĩ khi kết quả giám định giúp họ tìm được đúng người thân của mình đã hy sinh vì đất nước. Những điều đó đã thôi thúc mọi người chạy đua với thời gian để có thêm nhiều gia đình thực hiện ước nguyện tìm được hài cốt liệt sĩ.

Mặc dù đạt được những thành công bước đầu, nhưng vẫn còn không ít thách thức trong công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ, trong đó, đáng quan tâm nhất là số lượng mẫu hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính còn rất lớn, chất lượng mẫu ngày càng giảm. ThS Hoàng Hà cho rằng, cùng với giám định mẫu hài cốt liệt sĩ, cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được hài cốt để phục vụ đối chiếu với kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ đã làm lâu nay và sẽ làm sau này. Bên cạnh công nghệ tách chiết ADN trong ty thể, cần kết hợp với công nghệ mới là tách chiết ADN từ nhân tế bào. Công nghệ mới này cho phép xác định nhiều dạng quan hệ huyết thống, thay vì chỉ xác định quan hệ huyết thống theo dòng mẹ như hiện nay, do đó, sẽ tăng độ chính xác, nâng cao chất lượng giám định.

Tại buổi làm việc với Trung tâm Giám định ADN ngày 25/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý những đề xuất nêu trên của Trung tâm. Các cán bộ Trung tâm kỳ vọng, cùng với nền tảng về nhân lực, công nghệ đã có, việc triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ là bước ngoặt nhằm đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ trong thời gian tới.