Những tư liệu gốc quý hiếm
Châu bản là các văn bản hành chính do các cơ quan chính quyền triều Nguyễn từ trung ương đến địa phương soạn thảo, dâng tấu lên nhà vua, và qua đó, nhà vua “ngự lãm”, hay “ngự phê” bằng mực màu son để truyền đạt ý chỉ. Đây là một loại tài liệu đặc biệt quan trọng vì nó mang bút tích của nhà vua, được bảo quản trong các kho lưu trữ của cung đình, nội dung liên quan đến nhiều việc, nhiều người. Châu bản có tính độc bản, duy nhất, khác với mộc bản (đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới vào tháng 8-2009) là những bản khắc được dùng để in sách, tài liệu.
Các phiên bản ngự phê của 10 vị vua triều Nguyễn từ Gia Long (lên ngôi 1802) đến Bảo Đại (lên ngôi 1913) được dập in trên giấy dó, phóng to và trưng bày tại sảnh Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (18 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là lần thứ hai, những hiện vật, tư liệu quý của triều đại nhà Nguyễn được trưng bày phục vụ đông đảo công chúng. Trước đó, vào năm 2011, Trung tâm cũng đã giới thiệu “Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn 1802-1945”.
Triển lãm “Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn” lần này nhắm giới thiệu những hình thức ngự phê của các vua triều Nguyễn. Có thể thấy ở triển lãm này những văn bản ngự phê của các vua triều Nguyễn đề cập nhiều lĩnh vực từ chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa… đến những vấn đề đời thường như thưởng phạt quân lương, tế lễ, thời tiết…
Bố cục của triển lãm được thiết kế theo 10 phần, giới thiệu ngự phê của từng vị vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại cùng với hình ảnh về các vị vua. Ngoài phần giới thiệu chung, mỗi tài liệu được thuyết minh cụ thể về hình thức cũng như nội dung ngự phê.
Được biết, hiện Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đang bảo quản hơn 700 tập châu bản triều Nguyễn với khoảng gần 400 nghìn trang tài liệu, phần lớn là bản gốc, bản chính. Triển lãm này chỉ giới thiệu các phiên bản, còn phần bản chính được bảo vệ an toàn trong kho lưu trữ, chỉ phục vụ khi độc giả có nhu cầu tiếp cận trực tiếp.
Sau những lời phê
Có thể coi châu bản là những tài liệu lịch sử nguyên gốc, đặc biệt quý hiếm chính là ở phần ngự phê của các vị vua.
Ngự phê thường có các hình thức: châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải… Châu điểm là một nét son được chấm lên văn bản thể hiện sự đồng ý của nhà vua. Châu phê là phần câu chữ của nhà vua viết bằng mực son vào văn bản thể hiện ý kiến chỉ đạo hoặc phê duyệt. Châu khuyên là những vòng son khuyên lên những điều khoản, tên người, vấn đề hoặc địa danh để thể hiện sự chấp thuận. Châu mạt là nét son được vua phết lên tên người hoặc vấn đề gì đó thể hiện ý chỉ. Châu sổ là những nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần được sửa chữa hoặc không chấp thuận trong văn bản. Châu cải là chữ do đích thân nhà vua viết lại bên cạnh những chữ đã bị gạch trong văn bản, tỏ ý sửa chữa.
Các bản ngự phê hầu hết đều lưu lại bút tích của các vị vua triều Nguyễn. Đặc biệt, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn – vua Bảo Đại còn để lại bút tích ngự phê bao gồm ba ngôn ngữ: chữ Hán, chữ Pháp và chữ quốc ngữ.
Qua những phần ngự phê, có thể thấy phần nào tư tưởng, phong cách của từng vị vua trong triều đại nhà Nguyễn.
Những lời phê của vua Gia Long thường giản dị, chân thành, chú trọng đến việc học hành thi cử để tuyển chọn nhân tài.
Còn vua Minh Mệnh lại tập trung chỉ đạo chính sách khuyến nông. Đồng thời, lời ngự phê còn thể hiện tư tưởng cải cách trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, luật pháp. Hình thức ngự phê của vua Minh Mệnh rất phong phú, đầy đủ các loại từ châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Bản phê ngày 29-12-1826 (năm Minh Mệnh 7), vua Minh Mệnh phê: 'Mùa xuân mới nở, vui mừng được xem tờ tâu báo tin thời tiết thuận hòa. Trẫm chắp tay cầu trời cho ruộng đồng cả nước đều được mùa'.
Còn Thiệu Trị lại là một ông vua hiền hoà, thích thơ phú, nên lời phê của ông dung hoà, nhẹ nhàng..
Tại vị lâu nhất (36 năm), nên khối lượng châu bản ngự phê của vua Tự Đức chiếm gần một nửa tổng khối châu bản triều Nguyễn. Qua phần chữ son của ngự phê, có thể thấy “vua phê còn dài hơn lời tâu”.
Trong khi đó, châu bản niên đại vua Kiến Phúc được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I lại chỉ có duy nhất một quyển. Điều đó cũng lý giải phần nào thực tế vị vua này không có thực quyền, cũng là thời kỳ rối ren của triều đại nhà Nguyễn khi chịu sức ép từ thực dân Pháp. Bắt đầu từ thời kỳ này, thể hiện qua ngự phê, cũng cho thấy phần nào lịch sử của một triều đại không còn mấy thực quyền, khi đất nước từng bước bị thực dân Pháp thống trị, cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trước hơn 5 vạn nhân dân TP Huế, vua Bảo Đại chính thức trao ấn kiếm cho chính phủ của nhân dân, chấm dứt chế độ quân chủ.