Trong 7 ngày qua, thế giới ghi nhận hơn 4,4 triệu ca nhiễm mới, trong đó châu Âu đã chiếm hơn một nửa với hơn 2,5 triệu ca, tăng 1% so với tuần trước đó.
Một số nước châu Âu tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới tăng mạnh trong tuần, gồm Anh với hơn 508 nghìn ca, Pháp 362.532 ca, Đức 287.267 ca, và Nga 199.856 ca.
Đặc biệt, tại Anh, số ca mắc Covid-19 ở nước này trong tuần qua đã tăng 45%, trong đó biến thể Omicron được cho là chiếm tới 60% số ca bệnh mới ở nước này. Số liệu chính thức công bố bởi cơ quan y tế Anh, ngày 19/12, cho biết, nước này ghi nhận hơn 12 nghìn ca nhiễm biến thể mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm biến chủng Omicron tại Anh lên 37.101 ca.
Với tốc độ lây lan rất nhanh của biến thể Omicron, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, không loại trừ khả năng nước này sẽ siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch trước Giáng sinh.
Trong khi đó, Hà Lan, ngày 19/12, chính thức bắt đầu đợt phong tỏa mới ngay trước kỳ nghỉ Giáng sinh, nhằm ngăn chặn đà lây lan của làn sóng dịch bệnh mới gây ra bởi biến thể Omicron.
Trước đó 1 ngày, Thủ tướng Mark Rutte đã thông báo về lệnh phong tỏa mới, theo đó yêu cầu đóng cửa các cửa hàng và dịch vụ không thiết yếu, như các nhà hàng, tiệm làm tóc, phòng tập thể dục, bảo tàng và các địa điểm công cộng khác từ chủ nhật cho đến ít nhất là ngày 14/1 năm sau.
Trong khi đó, Italia cũng đang cân nhắc các biện pháp mới để ngăn đà gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ, trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Theo truyền thông Italia, sau khi tổ chức 1 cuộc họp với các bộ trưởng vào ngày 23/12 tới đây, Thủ tướng Mario Draghi có thể sẽ ra quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế mới, bao gồm yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trước khi đến rạp chiếu phim và rạp hát, cùng với việc bắt buộc đeo khẩu trang tại không gian công cộng ngoài trời.
Đầu tuần trước, Italia cũng đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp phòng, chống Covid-19 đến ngày 31/3 năm sau, cùng với yêu cầu các hành khách từ các nước EU phải xét nghiệm trước khi nhập cảnh nước này.
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach, ngày 19/12, cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 5 ở nước này có thể sớm xảy ra, đồng thời cho rằng việc tiêm chủng bắt buộc là cách duy nhất để ngăn chặn đại dịch.
Trước đó, Đức đã cấm những người chưa tiêm phòng đến các cơ sở không thiết yếu, nhằm kiềm chế các ca bệnh đang gia tăng trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh.
Cùng ngày, các chuyên gia trong Ban cố vấn khoa học về tác động của dịch Covid-19 của Chính phủ Đức đưa ra khuyến nghị cần phải hạn chế tiếp xúc trong cộng đồng hơn nữa, trong bối cảnh số ca nhiễm Omicron đang tăng gấp đôi cứ sau 2-4 ngày ở Đức như hiện nay.
Theo các chuyên gia, tốc độ này chậm hơn tốc độ lây nhiễm của Omicron tại Anh nhưng nhanh hơn tốc độ lây lan của các biến thể khác ở Đức. Với đà này, giới chuyên gia Đức lo ngại, hệ thống bệnh viện ở nước này sẽ sớm rơi vào tình trạng quá tải.
Không chỉ ở châu Âu, biến thể Omicron hiện đã lây lan ra nhiều khu vực khác trên toàn cầu, ước tính khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, với Peru và Iran là 2 nước mới nhất ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng này.
Tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi đại dịch, trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này tăng 4%, với hơn 857 nghìn ca bệnh được ghi nhận. Đáng chú ý, ở một số khu vực, 50% các mẫu xét nghiệm được giải trình tự gene đã phát hiện ra biến thể Omicron.
Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng và chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ, điều đó có nghĩa là nhiều khả năng Omicron sẽ là biến thể chủ đạo tại nước này trong thời gian tới.
Ông Fauci cũng cảnh báo, Omicron đang hoành hành khắp thế giới và việc đi du lịch trong những ngày nghỉ lễ sắp tới sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm, ngay cả ở những người đã được tiêm chủng.
Ở châu Á, Thủ tướng Israel Naftali Bennett, ngày 19/12, cho biết, làn sóng dịch Covid-19 thứ 5 do biến thể Omicron gây nên đã bắt đầu ở nước này.
Trong bài phát biểu phát sóng trên truyền hình, ông Bennett thông tin, dù số ca mắc biến thể mới ở Israel vẫn chưa cao nhưng Omicron rất dễ lây lan, cứ 2-3 ngày lại khiến số ca mắc mới tăng gấp đôi như đã thấy trên khắp thế giới. Do đó, ông Bennett dự báo sẽ có 1 đợt bùng phát mạnh ở Israel chỉ trong vòng vài tuần tới.
Thủ tướng Israel kêu gọi người dân nước này tăng cường tiêm ngừa Covid-19 và thực hiện các biện pháp phòng dịch, bao gồm làm việc tại nhà.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Israel, nước này đã ghi nhận 134 ca nhiễm biến thể Omicron và 307 trường hợp nghi nhiễm khác. Trong số này, có 167 ca có triệu chứng.
Trước đó, nhằm đối phó với đà lây lan của Omicron, Israel là nước đầu tiên trên thế giới cấm người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 25/11, đồng thời cũng áp dụng cách ly từ 3-14 ngày đối với người Israel từ nước ngoài trở về.