Đại diện các quốc gia thành viên Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa quy tụ tại Tây Ban Nha để quyết định về tương lai của châu Âu trong lĩnh vực không gian, bao gồm thúc đẩy nhiệm vụ thăm dò vũ trụ và giải quyết cuộc khủng hoảng về bệ phóng tên lửa. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua vào không gian.
Tháng 7 vừa qua, tên lửa Ariane 5 của châu Âu được phóng lần cuối, kết thúc 27 năm vận hành của chương trình Ariane 5, trong khi do bị trì hoãn nhiều năm, dự án tên lửa Ariane 6 chưa thể hoàn thành. Trong khi đó, tên lửa Vega nhỏ của Italia cũng đã thực hiện lần phóng cuối cùng vào tháng 10 vừa qua, song phiên bản nâng cấp là Vega-C lại bị đình chỉ hoạt động sau một sự cố vận hành. Việc sử dụng tên lửa Soyuz của Nga cũng gặp khó khăn do căng thẳng liên quan xung đột Ukraine.
Mặc dù ESA đã sử dụng tên lửa của tập đoàn công nghệ SpaceX nhằm thay thế Soyuz của Nga, song Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher cho rằng, bất kỳ giải pháp thay thế nào cũng chỉ mang tính tạm thời. Việc phụ thuộc vào dịch vụ phóng tên lửa ngoài khối đặt ra bài toán khó cho châu Âu trong triển khai độc lập các sứ mệnh không gian.
Bên cạnh những vấn đề nội tại, châu Âu cũng đối mặt sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ từ Mỹ mà còn từ những nước khác có ngành công nghiệp vũ trụ mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này như SpaceX.
Những khó khăn nêu trên đang buộc ESA phải huy động các nguồn lực để giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu bệ phóng tên lửa hiện nay, đồng thời nắm bắt cơ hội phát triển nền kinh tế vũ trụ. Với mục tiêu đó, tại hội nghị vừa qua, ba nước Đức, Pháp và Italia đã ký một thỏa thuận nhằm đưa ngành công nghiệp vũ trụ châu Âu phát triển độc lập và bảo đảm khả năng tiếp cận quỹ đạo.
Thỏa thuận nêu trên mở đường cho khoản hỗ trợ tài chính trị giá 21 triệu euro cho dự án phát triển tên lửa Vega-C. Việc hỗ trợ tài chính cho Vega-C sẽ bắt đầu từ năm 2026. Ngoài ra, các nước thành viên ESA cũng nhất trí cung cấp hỗ trợ tài chính cho dự án phát triển tên lửa Ariane 6 bị trì hoãn lâu nay.
Theo đó, dự án Ariane 6 sẽ nhận được khoản hỗ trợ trị giá 340 triệu euro. Mặc dù chậm hơn bốn năm so với kế hoạch ban đầu, dự án Ariane 6 dự kiến sẽ được đưa vào thử nghiệm lần đầu trong năm 2024.
Một trong những kết quả quan trọng khác của hội nghị là các nước đã đề ra một mục tiêu táo bạo nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh trong lĩnh vực không gian thông qua việc khuyến khích khu vực tư nhân phát triển các dịch vụ phóng tên lửa nhỏ. Những dự án mới này sẽ bắt đầu với thế hệ bệ phóng mini, nhằm tạo ra xu hướng thay thế lâu dài cho các tên lửa Ariane 6 và Vega-C.
Theo Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher, kết quả này mang lại niềm tin lớn cho các nhà sản xuất, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao cạnh tranh của châu Âu trong ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu.
Lĩnh vực không gian vũ trụ đang ngày càng trở thành sân chơi cạnh tranh khốc liệt, khi không chỉ có tầm quan trọng chiến lược về khám phá khoa học, quốc phòng, công nghệ mà còn cả về thương mại. Khẳng định nền kinh tế vũ trụ đang phát triển mạnh mẽ và việc đứng ngoài lĩnh vực này là một sai lầm chiến lược, Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher kêu gọi các nước châu Âu sớm hành động để không bị tụt hậu trong lĩnh vực không gian.