Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, thiếu thuốc đang trở thành một “mối đe dọa nghiêm trọng xuyên biên giới” của khối này, ảnh hưởng lớn tới việc điều trị cho các bệnh nhân. Giới chức y tế bang North Rhine-Westphalia của Đức xác nhận đang có tình trạng tắc nghẽn nguồn cung dược phẩm. Trong nhiều tháng qua, các phòng khám ở North Rhine-Westphalia chỉ tiếp nhận được 80% nhu cầu về thuốc và gần đây con số này đã giảm xuống còn khoảng 50%. Theo Viện Liên bang về Thuốc và Thiết bị y tế (BfArM) của Đức, tình hình này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới.
Các quốc gia EU khác cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu thuốc. Kết quả một cuộc khảo sát do Nhóm Dược phẩm Liên minh châu Âu (PGEU) thực hiện cho thấy, tình trạng thiếu thuốc đã trở nên tồi tệ hơn ở một số quốc gia thành viên EU, bao gồm Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Anh cũng chia sẻ nỗi lo về tình trạng thiếu hụt nhiều loại thuốc quan trọng như các nước EU. Một báo cáo do tổ chức Nuffield Trust của Anh thực hiện cho biết, khan hiếm thuốc đã trở thành tình trạng “bình thường mới” ở Anh. Việc Anh rời khỏi EU được nhận định là nguyên nhân khiến vấn đề về nguồn cung trở nên trầm trọng hơn.
Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, thiếu thuốc đang trở thành một “mối đe dọa nghiêm trọng xuyên biên giới” của khối này, ảnh hưởng lớn tới việc điều trị cho các bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề phát sinh từ Brexit là hàng hóa không được lưu thông suôn sẻ qua biên giới giữa Anh với EU nữa. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, Anh không còn đứng dưới “mái nhà chung” EU nữa cũng đồng nghĩa Luân Đôn không còn được hưởng lợi từ các giải pháp mà EU triển khai để xử lý tình trạng thiếu hụt thuốc.
Trong một động thái nhằm tăng tính tự chủ của EU về nguồn cung dược phẩm, cũng như giải quyết bài toán thiếu hụt thuốc và bảo đảm sự tiếp cận công bằng về thuốc giữa các nước thành viên, EU đã chính thức ra mắt Liên minh Thuốc thiết yếu. Liên minh Thuốc thiết yếu tập hợp các bên liên quan chủ chốt, bao gồm chính quyền các quốc gia EU, ngành công nghiệp dược phẩm, tổ chức chăm sóc sức khỏe, đại diện xã hội dân sự…
Bài toán khó của y tế châu Âu
Với liên minh này, EU sẽ tập trung giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và đề xuất các lĩnh vực hành động ưu tiên, như tăng cường năng lực sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng quốc tế. Liên minh cũng sẽ tập hợp nguồn lực và chuyên môn từ các chính phủ, ngành công nghiệp, chuyên gia y tế để cùng hướng tới mục tiêu chung là bảo đảm bệnh nhân được bảo vệ tốt hơn và có quyền tiếp cận bình đẳng hơn với các loại thuốc họ cần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt các loại thuốc quan trọng của châu Âu. Nhu cầu về thuốc tăng đột biến cùng sự phụ thuộc vào các quốc gia thứ ba, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, trong việc sản xuất các hoạt chất dược phẩm, nguyên liệu hóa học và thuốc chữa bệnh là nguyên nhân quan trọng. Vì bị phụ thuộc vào một vài nhà sản xuất nên nếu một trong số họ gặp trục trặc trong quá trình sản xuất thì toàn bộ chuỗi cung ứng cũng bị kẹt theo.
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Các vấn đề xã hội và y tế công cộng của Bỉ Frank Vandenbroucke, đại dịch Covid-19 đã chứng minh tầm quan trọng của hợp tác và đoàn kết châu Âu trong chống lại khủng hoảng y tế. Bởi vậy, châu Âu cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để lấp đầy khoảng trống về dược phẩm, trong đó phương án lâu dài, bền vững chính là đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng cường năng lực sản xuất các loại thuốc và hoạt chất quan trọng.