Châu Á ghi nhận thêm nhiều kỷ lục về dịch bệnh

NDO -

Ấn Độ và thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 22-7 đều ghi nhận số ca Covid-19 tính theo ngày cao kỷ lục. Người dân Malaysia sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang trong một số tình huống cụ thể từ ngày 1-8 tới.

Trung tâm điều trị Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Trung tâm điều trị Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Theo Worldometers, tính đến 5 giờ chiều nay (giờ Việt Nam), châu Á đã phát hiện hơn 3,6 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là vùng dịch lớn thứ hai trên bản đồ Covid-19 thế giới, xếp sau châu Mỹ (hơn 8,2 triệu ca).

Số ca mắc và tử vong trong ngày tại Ấn Độ cao kỷ lục

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nước này đã ghi nhận 45.720 ca mắc và 1.129 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh và tử vong trong nước lên lần lượt là 1,24 triệu và 29.861. Ngày 22-7 đánh dấu số ca mới và ca tử vong trong ngày tại Ấn Độ cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Ấn Độ đang xếp thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Brazil, về số ca mắc Covid-19. Hôm nay, Bộ Y tế Ấn Độ cũng cho biết, sau khi 782.607 người bệnh Covid-19 xuất viện, nước này còn 426.167 ca bệnh. 

Khi số ca Covid-19 tăng vọt, chính quyền bang Manipur, phía đông bắc Ấn Độ đã quyết định ban bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong vòng hai tuần, kể từ 14 giờ ngày 23-7 (giờ địa phương). Một số thành phố và khu vực khác cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Hiện Ấn Độ đã bước vào giai đoạn 2 nới lỏng biện pháp khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế vẫn hoàn toàn có hiệu lực bên trong các khu kiểm soát Covid-19. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Anil Vij cho biết, vaccine Covaxin do công ty Bharat Biotech phát triển đang được thử nghiệm trên người. Cuộc thử nghiệm bắt đầu diễn ra tại bệnh viện PGI Rohtak do nhà nước vận hành, nằm tại bang Haryana, phía bắc nước này.

Lần đầu tiên số ca mới tại Tokyo vượt mức 300

Cũng trong ngày 22-7, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận 366 ca Covid-19. Đây là ngày Tokyo có thêm nhiều ca mới nhất từ đầu đại dịch. Số ca nhiễm mới cao nhất Tokyo ghi nhận trước đó là 293 ca vào thứ Sáu tuần trước. 

Chính quyền Tokyo đưa ra thông báo này trong bối cảnh giới chuyên gia quan ngại Nhật Bản có thể hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Tokyo và một số khu vực đô thị khác tại Nhật Bản đã chứng kiến số ca nhiễm virus SARS-Cov-2 tăng mạnh kể từ khi chính phủ dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào cuối tháng 5 vừa qua.

Phát biểu với báo giới, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike hối thúc người dân giữ cảnh giác trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và hành động thận trọng khi cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài bốn ngày.

Sau khi Tokyo nâng cảnh báo đại dịch lên mức 4, bà Koike kêu gọi người dân tránh thực hiện các cuộc dạo chơi không thiết yếu trong kỳ nghỉ này. Mức 4 là mức cảnh báo cao nhất trong thang cảnh báo bốn cấp độ của Nhật Bản, cho thấy sự lây nhiễm đang lan rộng. 

Trong những ngày qua, số ca nhiễm tại Tokyo tăng vọt, đặc biệt là tại các địa điểm giải trí về đêm. Hôm qua, Nhật Bản có 795 ca nhiễm mới, vượt mức cao nhất được ghi nhận theo ngày trong tháng 4 vừa qua. Hiện, nước này đã ghi nhận hơn 27.800 ca bệnh, trong đó có 700 ca trên du thuyền Diamond, và hơn 1.000 ca tử vong.

Malaysia công bố quy định bắt buộc đeo khẩu trang

Trong cuộc họp báo ngày 23-7, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày cho biết, đeo khẩu trang tại địa điểm công cộng đông đúc và trên phương tiện giao thông công cộng sẽ là quy định bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 1-8 tới. Người không tuân thủ quy định này có thể bị phạt 1.000 RM (235 USD). 

Châu Á ghi nhận thêm nhiều kỷ lục về dịch bệnh -0
Hai người đeo khẩu trang khi trò chuyện trên Tháp Kuala Lumpur. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Ismail Sabri, quyết định nêu trên được đưa ra sau khi các nhà chức trách Malaysia đánh giá nguy cơ bùng phát ổ lây nhiễm mới. Bộ trưởng Quốc phòng cho biết thêm, vào thời điểm này, quy định mới sẽ chỉ có hiệu lực trên hệ thống giao thông công cộng như LRT và MRT, và tại các địa điểm công cộng đông đúc như chợ và chợ nông sản. 

Bộ trưởng Ismail Sabri khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang trước khi quy định mới có hiệu lực. Ông nhấn mạnh, việc đeo khẩu trang và thực hành giãn cách xã hội là hai yếu tố quan trọng trong nỗ lực ứng phó đại dịch. 

Bộ Y tế Malaysia sẽ sớm công bố hướng dẫn người dân tự làm khẩu trang bảo đảm các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Mỹ chiếm 1/4 số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên thế giới
 

Châu Á ghi nhận thêm nhiều kỷ lục về dịch bệnh ảnh 2

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường