Chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Đông Anh

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh, thành phố Hà Nội. Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh với tổng vốn đầu tư là 6.338 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 1.267 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Quy mô sử dụng đất của dự án hơn 299 héc-ta, chia thành hai giai đoạn; trong đó, không tính phần diện tích đất các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu đã thuê đất của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch vào phần diện tích được phép cho thuê lại đất của nhà đầu tư.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội xem xét 17 nội dung tại kỳ họp chuyên đề

Kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến sẽ diễn ra một ngày, vào cuối tháng 3/2024. Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố dự kiến xem xét, thông qua 17 nội dung quan trọng như: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố; phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Xem xét việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024 trên địa bàn thành phố; ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội; thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố.

Hội đồng nhân dân thành phố cũng xem xét để thông qua quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố… và một số quy định liên quan đến lĩnh vực y tế.

Còn băn khoăn về giá khám chữa bệnh dựa vào bậc lương cơ sở

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội. Các đại biểu cho rằng cần bổ sung việc đánh giá tác động xã hội. Hiện giá giường dịch vụ quá cao, đề nghị cơ quan bảo hiểm xem xét lại việc quy định chữa một bệnh hay hai bệnh cùng một đợt điều trị. Mặt khác, độ bao phủ y tế càng rộng thì người dân tiếp cận dịch vụ càng tốt. Theo Bảo hiểm xã hội thành phố, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của Hà Nội đạt 94% dân số, tăng 4,7% so với cùng thời điểm năm 2023. Chỉ còn khoảng 6% dân số không thuộc đối tượng nghèo hoặc cận nghèo (hơn 500.000 người) không tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về thời hạn thực hiện Nghị quyết này vì từ ngày 1/7/2024 chế độ tiền lương thay đổi, mức lương cơ sở có thể thay đổi, việc trả lương theo chức vụ và vị trí việc làm có thể kéo theo nhiều quy định khác về tiền lương. Do đó, việc dựa vào bậc lương cơ sở để áp giá cho hoạt động khám chữa bệnh có thể sẽ không còn giá trị. Đối với người nghèo, cận nghèo thì giá dịch vụ còn khá cao, vì vậy, đề xuất với mức thu nhập và mức lương khác nhau, cần đưa tiêu chí mức nghèo đa chiều nông thôn và thành thị vào căn cứ giá dịch vụ.