Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo nơi biên giới

Câu chuyện cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Kon Tum không quản hiểm nguy, đến tâm lũ cứu dân, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; tự nguyện đóng góp tiền, xây nhà tặng hai chị em Y Lẫy và Y Lỹ mồ côi cả cha lẫn mẹ đang sống ở thôn Ke Roi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; nhận 15 cháu làm con nuôi đồn Biên phòng, 253 em thuộc dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”, góp phần tô thắm tình quân dân nơi biên giới.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Biên phòng tỉnh Kon Tum thăm, tặng quà con nuôi của đơn vị.
Cán bộ Biên phòng tỉnh Kon Tum thăm, tặng quà con nuôi của đơn vị.

Gặp chúng tôi khi vừa đi công tác trở về, Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết: Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”, là những chương trình đầy nhân văn, nhằm chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần gắn kết tình quân dân nơi biên cương Tổ quốc.

Nhận thức được ý nghĩa cao đẹp đó, cùng với nguồn kinh phí trên cấp, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn tự nguyện đóng góp kinh phí, kết hợp với quỹ vốn tăng gia sản xuất của đơn vị và nguồn lực từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đơn vị kết nghĩa để hỗ trợ các em. Trong số hơn 1,9 tỷ đồng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum hỗ trợ 1,8 tỷ đồng giúp 253 em thuộc dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, tất cả các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở 13 xã biên giới thuộc bốn huyện của tỉnh Kon Tum.

Cùng với đó, đơn vị còn hỗ trợ 110 triệu đồng trong năm học 2023-2024 cho 74 em học sinh, trong đó có sáu em ở khu vực biên giới ngoại biên phía Lào và Campuchia. Việc làm này đã được các cấp chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Qua đó, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân chung tay xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng lòng dân vững mạnh nơi biên giới.

Đến xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi khi trời đã về chiều, gặp chúng tôi từ đầu làng, ông A Nhuông, già làng Ke Roi không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, nắm chặt tay như người thân lâu ngày gặp lại.

Ông xúc động: Đến nay tôi đã 57 tuổi, nhưng chưa thấy lần nào giông tố, mưa bão to và kéo dài đến như vậy. Sau gần 10 ngày, mưa gió đua nhau dội xuống, lũ quét tràn về tàn phá cây trồng, sạt lở đất, cuốn trôi nhiều chòi rẫy của dân. Nhưng đau thương lớn nhất của đồng bào mình là A Piếc Lô, 42 tuổi, cùng vợ là Y Xa, 37 tuổi, đã bị đất đá vùi lấp trong cái chòi dưới chân núi, khiến chị em Y Lẫy (16 tuổi) và Y Lỹ (12 tuổi) mồ côi cha mẹ.

Trong lúc tang thương, dân làng ngơ ngác chưa biết làm gì, thì được tin Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã cử bộ đội về, bất chấp hiểm nguy, đến nơi tâm lũ để kiếm tìm, cứu dân và giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Điều khiến chúng tôi rất xúc động là khi tìm được thi thể của vợ chồng A Piếc Lô và Y Xa, Bộ đội Biên phòng tỉnh đưa về hỗ trợ tang lễ, sau đó quyên góp tiền xây nhà mái ấm tình thương tặng hai cháu; rồi còn nhận bé Y Lỹ làm con nuôi đồn Biên phòng, lo cho Lỹ ăn học đến lúc trưởng thành. Một câu chuyện cổ tích thời hiện đại ở nơi biên giới rất nhân văn, mà chỉ có Bộ đội

Cụ Hồ gần dân, biết dân đang cần gì để giúp đỡ.

Trên đường đến thăm con nuôi của đồn, Trung tá Vũ Đức Phú, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Xú (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kon Tum), chia sẻ: Trước hoàn cảnh thương tâm mồ côi cha mẹ của hai cháu Y Lẫy và Y Lỹ, thực hiện sự chỉ đạo và hỗ trợ trực tiếp của Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Đăk Xú đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân nhường đất, làm các thủ tục hoàn thiện, rồi điều động cán bộ, chiến sĩ đơn vị thay nhau xây dựng và bàn giao ngôi nhà mái ấm tình thương tặng hai cháu. Ngôi nhà có diện tích 60 m2, gồm một phòng khách, hai phòng ngủ, phòng bếp, với tổng kinh phí 105 triệu đồng khá đẹp. Ngoài nhận Y Lỹ làm con nuôi, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn tự nguyện đóng góp hỗ trợ thêm cho hai cháu học sinh nghèo vượt khó, một tháng 500 nghìn đồng/cháu, theo chương trình “Nâng bước em đến trường”.

Khi bóng chiều đã ngả xuống bên kia chân núi, chúng tôi đến thăm ngôi nhà Biên phòng, Y Lẫy và Y Lỹ vui mừng chạy ra đón. Như đứa con ngoan gặp lại ba mẹ, Y Lỹ khoe: Thời gian qua được sự giúp đỡ của các chú Bộ đội Biên phòng, cháu học ngày một khá hơn. Ngoài thời gian đến lớp học, hai chị em cùng đi làm rẫy. Lỹ còn giúp chị nấu cơm, lau dọn nhà cửa… Nói đến đây, trên khóe mắt hai cháu đã ngân ngấn những giọt nước mắt. Lúc còn sống, ba mẹ các cháu lam lũ quanh năm nhưng kinh tế gia đình cũng không khá giả, bây giờ may mắn có những người cha Biên phòng xây tặng nhà, rồi nhận làm con nuôi, tiếp sức đến trường..., những chuyện trước đây ba mẹ cháu có mơ cũng chưa thấy.

Chia tay chúng tôi, Đại tá Phạm Văn Lâm, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Kon Tum, cho biết: Còn đó những khó khăn nhất định, nhưng Bộ đội Biên phòng tỉnh vẫn luôn hướng về cuộc sống của người dân, nhất là các em học sinh. Ngoài nhận các em thuộc dự án nâng bước em tới trường và con nuôi đồn Biên phòng, chúng tôi còn tiếp sức thêm cho 50 cháu học giỏi vươn lên, mỗi tháng 200 nghìn đồng/cháu…

Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đó là ý nghĩa nhân văn của Bộ đội Biên phòng đã và đang thực hiện.