Chàng trai Rag Lay mang sức trẻ đến với Trường Sa

Trong chuyến ra thăm, tặng quà nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 mới đây tại xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi được trò chuyện với y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng, một người con của dân tộc Rag Lay. Những nỗ lực, cống hiến của y sĩ trẻ Ngọc Tùng thật đáng tự hào.
0:00 / 0:00
0:00
Y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng hướng dẫn người dân xã đảo bảo vệ môi trường, phòng tránh bệnh sốt xuất huyết.
Y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng hướng dẫn người dân xã đảo bảo vệ môi trường, phòng tránh bệnh sốt xuất huyết.

Y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng, người dân tộc Rag Lay, sinh ra và lớn lên tại thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Từ nhỏ, anh đã có nhiều trải nghiệm về sự nguy hiểm của bệnh sốt rét, cùng căn bệnh nan y của người cha là động lực để anh theo học ngành y. Năm 2011, Bo Bo Ngọc Tùng được tuyển vào Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa, theo học ngành Y sĩ đa khoa. Năm 2013, anh tốt nghiệp và tham gia dự án Riel ngăn chặn và loại trừ sốt rét do Hà Lan tài trợ. Sau 5 năm, dự án đã thành công loại trừ căn bệnh sốt rét trên địa bàn thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

Từ một ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho cha mắc bệnh hiểm nghèo, anh đã nỗ lực vươn lên, theo học ngành y, phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong đợt phòng chống dịch Covid-19 anh tình nguyện lên tuyến đầu. Mới đây anh lại tình nguyện mang sức trẻ đến với Trường Sa để bảo vệ và dựng xây mảnh đất thiêng liêng trên tuyến đầu Tổ quốc.

Nhắc lại những ngày đầu tình nguyện tham gia dự án, Ngọc Tùng chia sẻ: Người dân Khánh Sơn và nhiều địa phương khác đã biết về sự nguy hiểm của căn bệnh sốt rét. Song do điều kiện cơ sở vật chất cũng như hạn chế trong hiểu biết về nguyên nhân lây lan nguồn bệnh nên không thể diệt trừ căn bệnh này.

Trong thực tế người dân cũng sử dụng một số bài thuốc dân gian để cắt cơn sốt nhưng không hiệu quả. Dự án Riel thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền và cung cấp các hỗ trợ y tế để ngăn chặn và loại trừ sốt rét trong cộng đồng đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Y sĩ Tùng tự hào được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào dự án này.

Một kỷ niệm mà y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng khó quên, đó là lần về thôn Tà Lương (còn gọi là Lỗ Hang), nơi 100% đồng bào Rag Lay, của bản Làn Nước, thuộc thị trấn Tô Hạp. Thôn nằm trong rừng sâu, đi cả buổi mới tới, y sĩ Ngọc Tùng với vai trò là người phiên dịch và tuyên truyền viên đã hướng dẫn người dân nhiều biện pháp phòng chống bệnh sốt rét. Mục đích của đoàn khi vào vùng tâm dịch ngoài tuyên truyền vận động còn để bắt muỗi a-nô-phen truyền bệnh sốt rét phục vụ các nghiên cứu. Đây có thể coi là việc làm nguy hiểm, tuy vậy Bo Bo Ngọc Tùng vẫn nhiệt tình tham gia.

Chàng trai Rag Lay mang sức trẻ đến với Trường Sa ảnh 1
Y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng tích cực hướng dẫn người dân xã đảo bảo vệ sức khỏe.

Dần dần, y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng tích lũy được nhiều kinh nghiệm y học quý báu do có điều kiện tham gia công tác cùng nhiều chuyên gia y tế, bác sĩ đầu ngành. Anh thể hiện được khả năng “truy vết nguồn bệnh” thông qua các mẫu máu, vật trung gian... được đồng nghiệp và người dân trên địa bàn tin tưởng. Anh tích cực tham gia nhiều phong trào thanh niên tại địa phương, áp dụng các kiến thức học được để giúp đỡ người dân trong khu dân cư, nhất là trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh dịch tễ, bảo vệ môi trường sống trong lành, ngăn chặn dịch bệnh...

Với những thành tích nổi bật tại cộng đồng, năm 2017, y sĩ trẻ Ngọc Tùng được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bo Bo Ngọc Tùng chia sẻ: “Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là vinh dự không chỉ của cá nhân tôi mà còn là niềm tự hào của gia đình. Tôi thấy mình càng phải gương mẫu hơn, làm tốt hơn nữa trong chuyên môn nghiệp vụ và tiếp tục học hỏi, nghiên cứu nâng cao y thuật”.

Năm 2018, bệnh sốt rét được đẩy lùi trên địa bàn thị trấn Tô Hạp, dự án Riel kết thúc, y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng về công tác tại Trạm Y tế xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, Ngọc Tùng luôn có mặt nơi tuyến đầu phòng chống dịch tại địa phương và hỗ trợ nhiều thành phố, huyện lân cận.

Đến với Trường Sa lần này, Bo Bo Ngọc Tùng mang nhiều hoài bão cống hiến sức trẻ, tay nghề y học cho vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc. Những ngày đầu bỡ ngỡ bởi “từ một người đang ở núi bỗng dưng ra với biển” nhưng anh sớm thích nghi với môi trường làm việc mới. Ra xã đảo Sinh Tồn từ tháng 6/2023, y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng tham gia các hoạt động thăm khám, cấp thuốc cho các hộ dân trên xã đảo; sàng lọc các loại bệnh từ tuyến cơ sở...

Hiện tại, trong cộng đồng dân cư xã đảo có một số loại bệnh tương đối phổ biến là viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh về đường tiêu hóa, nhất là đối với trẻ em. Nguyên nhân chính là do người dân chưa thích nghi với nguồn nước và sử dụng nhiều đồ ăn đóng hộp. Anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đảo và các lực lượng chuyên môn tích cực tuyên truyền người dân “ăn chín, uống sôi”. Kết quả cho thấy biện pháp của Tùng là chính xác.

Bên cạnh việc thực hiện tốt chức trách chuyên môn, y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng tích cực phát huy vai trò, nêu cao gương mẫu của một đảng viên trong khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ được Bí thư Đảng ủy xã Sinh Tồn Trần Văn Trình đánh giá cao, người dân xã đảo Sinh Tồn quý mến, tin tưởng.