
Trung tá Hoàng Thức Bảo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đội trưởng đội trinh sát vũ trang nội thành Huế trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã có những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Trong đó, kỷ niệm sâu sắc nhất với ông là lần được kết nạp Đảng ngay trên mặt trận, khi tiếng súng, tiếng đạn bom của kẻ địch vừa ngưng tạm.
Đi theo Cách mạng từ năm 15 tuổi
Là cháu 4 đời của Chánh cửu phẩm Ty Tượng Hoàng Văn Tỵ dưới triều Vua Tự Đức, con trai của Đông y sĩ, Tộc trưởng Hoàng Văn Nghiễm, là người có công với nước và từng được trao Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Trung tá Hoàng Thức Bảo tham gia Cách mạng từ rất sớm theo truyền thống gia đình.
Ông sinh ra ở Khánh Mỹ thuộc thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Thành phố Huế), là nơi người dân một lòng theo Cách mạng, từng theo phong trào “tiêu thổ kháng chiến”.
Khánh Mỹ ở sát quận lỵ Phong Điền, đường quốc lộ 1A vào vùng rừng núi ở chân dãy Trường Sơn phía Tây Thừa Thiên, có tên là động Đùng Sâm, mé Tây làng Khánh Mỹ. Ngày tôi được sinh ra, ông nội, cha, anh, chị tôi đan bụi cây lại thành chòi để mẹ tôi sinh nở. Hôm sau, giặc Pháp dùng xe tăng, xe quân sự càn quét vào gần nơi chúng tôi ẩn náu. Ông nội phải dùng khăn trùm kín tôi để tiếng khóc không vang xa và bị giặc nghe thấy.
Đây là khu vực giáp ranh, tranh chấp cho nên thường xuyên xảy ra những trận xung đột giữa quân Pháp, tay sai và quân dân ta tại thời điểm thập niên 1940, 1950. Người dân dù bị giặc khủng bố, cướp bóc, kiểm soát, nhưng vẫn một lòng hướng về Đảng, về cuộc Cách mạng giành độc lập tự do của dân tộc.
Sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng giàu truyền thống như vậy, cho nên Trung tá Hoàng Thức Bảo đi theo Cách mạng từ sớm. Ngay cả cái tên của ông, theo lời ông giải thích, cũng là một sự thức tỉnh, giác ngộ để đi theo Cách mạng. Từ năm 15, 16 tuổi, ông đã theo anh trai đi làm công tác kháng chiến bí mật. Ông tham gia hỗ trợ, tiếp tế nuôi cán bộ, ngoài ra còn liên lạc, thăm dò, nắm tình hình địch ở Thừa Thiên, Quảng Trị... để cung cấp cho cán bộ.
Lính ngụy bị quân giải phóng bắt trong trận tiến công giải phóng thành phố Huế đầu năm 1968. (Ảnh: TTXVN)
Lính ngụy bị quân giải phóng bắt trong trận tiến công giải phóng thành phố Huế đầu năm 1968. (Ảnh: TTXVN)
Ông kể lại, năm 1965 - 1966 đế quốc Mỹ, đồng minh và chính quyền miền nam bị quân dân ta tấn công mạnh mẽ, chúng tăng quân chi viện ra Trị Thiên xây dựng căn cứ, càn quét đánh phá chung quanh các thành thị; đồng thời tăng cường bắt lính để tăng thêm lực lượng cho ngụy quân Sài Gòn.
Năm đó, ông đã 19 tuổi, đến tuổi để chính quyền Sài Gòn bắt lính. Nhờ tay nghề và quan hệ với chủ gara tư nhân có anh em làm trong quân đội Sài Gòn, Trung tá Hoàng Thúc Bảo đã được làm lại thẻ, lùi vài tuổi. Nhưng lính chết trận ngày càng nhiều, chính quyền Sài Gòn khi đó bắt lính tràn lan, kể cả người chưa đủ 18 tuổi. Để trốn quân dịch, anh trai của ông là ông Hoàng Văn Khuê đã đưa ông từ trong vùng địch kiểm soát ở Trị Thiên ra vùng chiến khu, hậu cứ tỉnh Thừa Thiên.
“Ngày 16/5/1966 tôi chính thức trở thành người của Cách mạng, tham gia kháng chiến. Tôi từ Đông Hà (Quảng Trị) bí mật vào Phong Điền (Thừa Thiên Huế. Gia đình tiễn tôi lên rừng. Đón tôi ở mé Tây làng Khánh Mỹ là hai người anh họ Hoàng Văn Khuê và Hoàng Công Tánh, và anh bên ngoại Hoàng Công Viên” – ông Hoàng Thức Bảo nhớ lại những ngày đầu tiên đến với Cách mạng như vậy.
Đầu năm 1967, ông Hoàng Thức Bảo vào lực lượng an ninh vũ trang, tham gia bảo vệ cơ quan, kho tàng, đường hành lang của tỉnh. Tháng 7/1967, ông được điều động sang trinh sát vũ trang thành phố Huế.
KẾT NẠP ĐẢNG TẠI MẶT TRẬN
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, kỷ niệm mà Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Thức Bảo nhớ mãi là lần được tổ chức kết nạp Đảng ngay trên mặt trận, nơi mà chỉ vài giờ trước còn bom đạn tung trời.
Ông Hoàng Thức Bảo kể lại, năm 1966, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Ban Chỉ huy lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế chính thức được thành lập với 5 cán bộ cốt cán. Về sau, lực lượng của Ban ngày càng lớn mạnh và được chia làm 5 đội với các tên gọi khác nhau, gồm 120 lính trinh sát vũ trang, và ông là một đội trưởng trong số đó.
Chiến dịch năm Mậu Thân 1968, ông cùng đồng đội đã tham gia đánh chiếm và giữ nội thành thành phố Huế trong suốt 26 ngày đêm, giữ vững trận địa trước những đòn tấn công ác liệt với nhiều loại vũ khí, thiết bị hạng nặng của quân địch.
Pháo binh quân giải phóng bắn vào sân bayTây Lộc, Thành phố Huế rạng sáng 31/1/1968 (TTCXN)
Pháo binh quân giải phóng bắn vào sân bayTây Lộc, Thành phố Huế rạng sáng 31/1/1968 (TTCXN)
Đến ngày thứ 12 của chiến dịch, ông bất ngờ được được Đảng và Mặt trận công bố kết nạp Đảng ngay trên trận địa cùng với hai đồng đội khác, với thành tích chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi các lực lượng của địch.
Lúc 8 giờ 30 tối, khi tiếng súng tạm lắng, Đảng ủy đã tuyên bố kết nạp Đảng cho 3 chiến sĩ tại đường Phan Bội Châu. Đây cũng là chiến trường ác liệt nhất, được báo chí phương Tây gọi là mặt trận phía đông của thành phố Huế, nơi địch hằng ngày dùng tất cả những lực lượng mạnh nhất, sừng sỏ nhất, từ bom đạn, pháo cho đến quân tinh nhuệ đánh vào.
Mỗi căn nhà, góc phố ở Huế đều trở thành chiến lũy của quân giải phóng trong chiến dịch Mậu Thân 1968. (Ảnh: TTXVN)
Mỗi căn nhà, góc phố ở Huế đều trở thành chiến lũy của quân giải phóng trong chiến dịch Mậu Thân 1968. (Ảnh: TTXVN)
Mục đích của Mặt trận khi đó là động viên các lực lượng không rời vị trí chiến đấu. Và ông cùng các đồng đội là những đoàn viên xuất sắc trong đơn vị, dùng mọi vũ khí có trong tay để bắn máy bay, tấn công tàu chiến địch, với lực lượng ít ỏi.
Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Bởi trong khi cả đội đang chuẩn bị triển khai chiến đấu thì Đảng ủy, Mặt trận mời chúng tôi vào một căn phòng đã bị bom đạn đánh phá tan tành trên phố Phan Bội Châu, và thông báo 3 đồng chí được Đảng ủy mặt trận kết nạp Đảng. Trong căn nhà đổ nát đó, hai đồng chí đứng hai bên giữ cờ Đảng và cờ Tổ quốc để chúng tôi đứng giữa tuyên thệ. Cảm xúc khi đó là rất bất ngờ và vô cùng xúc động. Tôi vốn luôn nghĩ mình chiến đấu vì quê hương đất nước chứ không vì mục đích cá nhân nào cả. Nhưng tổ chức đã luôn bám sát, dõi theo anh em, và động viên kịp thời. Đó là kỷ niệm không thể nào quên
Sau khi được kết nạp Đảng, ông Hoàng Thức Bảo thấy mình càng phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với tư cách của người đảng viên. “Tôi bị thương nặng trong trận chiến ở phố Phan Bội Châu nhưng vẫn tiếp tục bám trụ chiến đấu một thời gian, cho đến khi được ra bắc chữa trị” – ông kể lại.
Cũng chính trong những trận đánh giữ thành Huế này, ông và đội trinh sát của mình đã có nhiều chiến công vang dội khiến quân địch khiếp sợ.
Một trong số đó là trận đánh diễn ra trong 11 ngày đêm, theo lời Anh hùng Hoàng Thức Bảo kể lại, lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế của ông tiêu diệt được 200 tên địch tại địa đạo Khe Trái, Hương Trà, bảo vệ thành công hậu cứ an ninh tỉnh.
Sau đó là sự kiện đại hội thi đua Công - Nông binh tại hậu cứ Khe Vàng, Hương Thủy bị địch cho 1 tiểu đoàn tấn công. Lực lượng trinh sát nội thành Huế đã phản kích quyết liệt, địch buộc phải rút lui. Trong trận này, ông Hoàng Thức Bảo và đồng đội tiêu diệt được 50 tên địch, bắt sống nhiều tên khác. 100 đại biểu tham dự đại hội được lực lượng trinh sát nội thành bảo vệ an toàn.
Từ năm 1969 đến năm 1974, lực lượng trinh sát nội thành Huế của ông Hoàng Thức Bảo đã đánh khoảng 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bảo vệ an toàn bên trong thành phố Huế.
Riêng ông Hoàng Thức Bảo diệt 87 tên, trong đó có 25 tên Mỹ, 9 tên tình báo, gián điệp, 14 tên biệt kích..
Với những chiến công, thành tích như vậy, năm 1976, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn trinh sát vũ trang Thành phố Huế cùng 9 đồng chí, trong đó có ông Hoàng Thức Bảo. Cùng thời gian này, ông Hoàng Thức Bảo được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất.
Thành tích tiêu biểu của Anh hùng Hoàng Thức Bảo:
- 12 Huân chương các loại, gồm: Huân chương Chiến công giải phóng; Huân chương Giải phóng; Huân chương Chiến sĩ giải phóng
- 18 Danh hiệu Dũng sĩ
- 7 Huy chương: 3 Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; 1 Huy chương Anh hùng; 1 Huy chương Cựu chiến binh; 1 Huy chương Bảo vệ An ninh biên giới; 1 Huy chương về Thể dục Thể thao
- 7 Chiến sĩ thi đua (từ cấp cơ sở đến Trung ương)
Dòng tộc có truyền thống yêu nước
Quay trở lại câu chuyện về quê hương, Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Thúc Bảo hào hứng kể về dòng họ giàu truyền thống yêu nước của mình, trong một ngôi làng cũng giàu truyền thống yêu nước, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do.
Nhà của cha mẹ ông Hoàng Thúc Bảo ở xóm giữa làng Khánh Mỹ, tiếp giáp với cửa ngõ đi vào chiến khu Hòa Mỹ, cũng là nơi có thể quan sát, cảnh giới mỗi khi quân giặc tấn công từ quận lỵ Phò Trạch (Phong Điền). Chính vì thế, nhà cha mẹ ông thường được cán bộ, bộ đội Việt Minh chọn làm nơi để hội họp, mở lớp học xóa mù, làm trạm thu phí kháng chiến.
Anh hùng Hoàng Thức Bảo được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý.
Anh hùng Hoàng Thức Bảo được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý.
“Ngày đó, con em trong làng được đưa ra các lớp học tổ chức tại khu vực các cồn, động ở ngoại vi. Từ rạng sáng, con em trong làng đã đi bộ vượt ruộng đồng vào học ở các lớp trong rừng, đến mờ tối, sau khi cảnh giới không còn địch đi càn, đi phục kích... mới về làng. Tôi đã trải qua các lớp học đầu đời như thế” – ông nhớ lại.
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva được ký kết, gia đình ông không tập kết ra bắc sau tháng 7 mà được cấp trên bố trí ở lại miền nam cùng dân làng, xã... vận động hiệp thương, tổng tuyển cử... theo điều khoản Hiệp định Geneva. Năm đó ông vừa tròn 7 tuổi, ở lại quê hương với cha, mẹ, anh, còn người chị đầu làm nhiệm vụ phục vụ bộ đội, cán bộ tập kết ra bắc, rồi ở lại miền bắc công tác tại thành phố Hải Phòng. Và từ đó, truyền thống gia đình, làng xã đã góp phần giúp ông trở thành một chiến sĩ giao liên ở tuổi 15.
Nhắc đến gia đình, Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hoàng Thức Bảo vô cùng tự hào: “Gia đình tôi có truyền thống yêu nước từ nhiều thế hệ rồi. Ông cố tôi, hay còn gọi là cụ, làm quan triều Nguyễn, thời Tự Đức, là một trong 3 triều vua yêu nước, chống Pháp. Con của cụ, là ông nội của tôi cũng làm quan triều Tự Đức. Kể cả khi gia đình không có ai làm quan, quê hương tôi từ xưa đến nay vẫn theo truyền thống yêu nước”.
Anh hùng Hoàng Thức Bảo tại Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh Việt Nam Thừa Thiên Huế năm 2027.
Anh hùng Hoàng Thức Bảo tại Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh Việt Nam Thừa Thiên Huế năm 2027.
Ông nói vui, riêng trong gia đình ông có thể thành lập một chi bộ, cha mẹ, anh chị em trong gia đình đều là Đảng viên. “Từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, các thế hệ trong gia đình tôi đã phân biệt rõ đâu là chính đâu là tà. Trước lời kêu gọi kháng chiến của Trung ương, động viên của địa phương, chúng tôi đều giác ngộ Cách mạng và lên đường làm nhiệm vụ. Cha ông đều có tinh thần yêu nước chống giặc, con cháu không có cớ gì mà không theo. Tôi tự hào về dòng dõi yêu nước của gia đình mình” – người lính già bày tỏ.

------------------------
Ngày xuất bản: 17/4/2025
Nội dung: TUYẾT LOAN, CÔNG HẬU
Trình bày: DUY LONG
Ảnh: TTXVN, BÁO NHÂN DÂN, nhân vật cung cấp