Chặng đường mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Bỉ

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stephanie D’Hose tiến hành thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 25/8.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Vương quốc Bỉ Elio Di Rupo trong chuyến thăm Vương quốc Bỉ, tháng 1/2013. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Vương quốc Bỉ Elio Di Rupo trong chuyến thăm Vương quốc Bỉ, tháng 1/2013. (Ảnh: TTXVN)

Diễn ra đúng vào dịp năm 2023 đánh dấu chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm Đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Bỉ, chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ là hoạt động đối ngoại cấp cao có ý nghĩa quan trọng; thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo Bỉ trong quan hệ với Việt Nam.

Chuyến thăm sẽ nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện của Bỉ, đưa hợp tác nghị viện song phương ngày càng hiệu quả, thực chất.

Là một trong những nước phát triển ở Tây Âu, Bỉ đứng thứ 24 trên thế giới và thứ 8 trong Liên minh châu Âu (EU) về quy mô GDP, là trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hóa của châu Âu.

Với vai trò là thành viên sáng lập EU, Bỉ đi tiên phong trong quá trình xây dựng EU mạnh, nhất thể hóa. Với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bỉ duy trì tương đối đồng đều quan hệ với các quốc gia, trong đó tại khu vực Đông Nam Á, Bỉ coi trọng quan hệ với Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Bỉ là một trong những nước Tây Âu sớm công nhận và chính thức thiết lập quan hệ với Việt Nam. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Chính phủ và nhân dân Bỉ đã dành cho Việt Nam sự quan tâm quý báu thông qua các dự án viện trợ, tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới.

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đang trên đà phát triển tích cực. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19. Việt Nam và Bỉ đã tiến hành bốn kỳ tham vấn chính trị luân phiên cấp Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2013 tới nay.

Hai nước cũng hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN, hợp tác tiểu vùng sông Mê Công và cùng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Quan hệ nghị viện giữa Việt Nam và Bỉ được triển khai ở các cấp độ, đạt nhiều kết quả tích cực, thông qua các chuyến thăm cấp cao, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nghị sĩ và phối hợp trên các diễn đàn nghị viện đa phương.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, chuyến thăm và làm việc tại Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 9/2021 đã làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước và hai nghị viện.

Trong các cuộc làm việc, hai bên chia sẻ những nhận thức chung về tiềm năng hợp tác to lớn, sâu rộng trong quan hệ song phương, trong đó Bỉ công bố hỗ trợ Việt Nam nhiều vaccine, thiết bị y tế và bộ xét nghiệm Covid-19, bày tỏ đoàn kết với Việt Nam trong đẩy lùi dịch bệnh.

Vượt qua những biến động khó lường của tình hình kinh tế thế giới, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Bỉ trong thời gian qua không ngừng phát triển và gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Bỉ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6 đến 10%/năm. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều cán mốc 4,73 tỷ USD.

Về đầu tư FDI, tính đến tháng 3/2023, Bỉ có 87 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam có bốn dự án đầu tư tại Bỉ, với giá trị 12,6 triệu USD, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Về hợp tác phát triển, Bỉ đã hỗ trợ 300 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực nước sạch, xử lý rác thải, tăng cường thể chế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, góp phần hỗ trợ Việt Nam vững bước trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Lĩnh vực nông nghiệp là một trong những điểm sáng nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Bỉ là điểm đến của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, nhất là thủy sản và cà-phê.

Hiện nay, hai bên đang hợp tác kỹ thuật giữa các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp; phát triển hệ thống hậu cần đường thủy phục vụ xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang châu Âu; thúc đẩy triển khai chuỗi logistics lạnh thông minh, hợp tác phát triển ngành ca-cao, an toàn thực phẩm.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stephanie D’Hose nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, hai cơ quan lập pháp; thể hiện mong muốn đẩy mạnh hợp tác song phương về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, hợp tác phát triển, giáo dục và khoa học-công nghệ.

Trên cơ sở nền tảng quan hệ tốt đẹp mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp trong nửa thế kỷ qua, chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng mở ra chặng đường mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Bỉ trong thời gian tới.