Chặng đường đầu với nhiều thành tựu của Viện Nghiên cứu Kinh thành

NDO -

Ngày 28-4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (28-4-2011 - 28-4-2021). Đây là dịp tổng kết hoạt động và công bố những thành tựu nổi bật của Viện trong nghiên cứu khoa học và trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.

1. Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Kinh thành (28-4-2011 - 28-4-2021).
1. Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Kinh thành (28-4-2011 - 28-4-2021).

Viện Nghiên cứu Kinh thành, tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, là cơ quan nghiên cứu khoa học đã có nhiều thành tựu quan trọng trong hai lĩnh vực là nghiên cứu khoa học và trưng bày bảo tàng, bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa. Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, Viện Nghiên cứu Kinh thành còn thực hiện nhiều chương trình điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại các địa phương và đã có nhiều phát hiện mới: Phát hiện Hành cung Lỗ Giang (năm 2014, tại Hưng Hà, Thái Bình) được đánh giá là quý giá vào bậc nhất trong kho tàng di sản văn hóa thời Trần; phát hiện di chỉ lò nung vật liệu kiến trúc thời Trần (năm 2016, tại Pù Lườn Xe, Lục Yên, Yên Bái) lần đầu tiên tìm được di tích lò nung vật liệu trang trí mái kiến trúc thời Trần; khai quật di chỉ sản xuất gốm Chămpa (trong những năm 2014 - 2017) góp phần làm sâu sắc hơn các giá trị của di sản văn hóa Chămpa tại Bình Định...

Tái hiện cung điện thời Lý trong Hoàng cung Thăng Long

Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức tái điều tra khai quật khu di tích 18 Hoàng Diệu, nghiên cứu giải mã loại hình, chức năng các loại ngói lợp mái; nghiên cứu mô hình kiến trúc đang lưu giữ tại các bảo tàng; nghiên cứu di vật gỗ đào được tại di tích; nghiên cứu sử liệu, đặc biệt là nghiên cứu so sánh với kiến trúc kinh đô cổ ở nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và kiến trúc cổ ở miền bắc Việt Nam... và đã phát hiện thêm nhiều vấn đề khoa học. Viện đã thiết lập được bản vẽ tổng thể mặt bằng kiến trúc cung điện thời Lý trên các vết tích khảo cổ học dưới lòng đất khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng nhà Quốc hội, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từ đó từng bước giải mã về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý.

Phát hiện quan trọng là “chìa khóa” để giải mã hình thái kiến trúc cung điện thời Lý là hệ thống “đấu - củng”. Đây là một kết cấu đỡ mái gồm hai bộ phận là “đấu” đóng vai trò là bệ đỡ, còn “củng” giống hình khuỷu tay, đóng vai trò là tay đỡ, được dùng để đỡ một kết cấu khác bên trên. Nhờ có hệ thống đấu củng mà có thể dựng được những bộ khung kiến trúc gỗ quy mô lớn. Từ phát hiện này các nhà khoa học đã nghiên cứu phục dựng được hình ảnh 3D của hình thái kiến trúc cung điện thời Lý và tiếp tục nghiên cứu phục dựng tổng thể của hệ thống cung điện thời Lý ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Các nhà khoa học đã nghiên cứu phục dựng được hình ảnh của 64 công trình kiến trúc thời Lý trong Hoàng cung Thăng Long (38 công trình kiến trúc cung điện và hành lang, 26 kiến trúc lục giác, bát giác cùng hệ thống tường bao, đường đi và cổng). Trong thời vàng son của vương triều Lý.

Hoàng cung Thăng Long được xây dựng nguy nga, tráng lệ, có nhiều công trình kiến trúc gỗ lớn không thua kém so các kiến trúc nổi tiếng ở châu Á. Nếu so sánh về diện tích mặt bằng với chùa Todai ở Nara (Nhật Bản), xây dựng năm 743, là ngôi chùa cổ kính và lâu đời, có diện tích mặt bằng 2.850 m2, được coi là di sản kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới, thì kiến trúc gỗ thời Lý ở phía nam khu A chỉ nhỏ hơn khoảng 570 m2.

Đây là thành quả nghiên cứu ban đầu nhưng được xem là một bước tiến dài trong nghiên cứu khu di sản Hoàng thành Thăng Long, góp phần đưa những kết quả nghiên cứu khoa học đến gần hơn với công chúng, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử ngàn năm văn hiến của kinh đô Thăng Long.

Sáng tạo ứng dụng công nghệ cao trong trưng bày bảo tàng

Trong nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành có nhiều công trình thiết kế trưng bày, quảng bá di sản văn hóa dân tộc, góp phần đưa giá trị di sản văn hóa, lịch sử dân tộc đến gần hơn với công chúng. Tiêu biểu nhất là Dự án "Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”. Lịch sử vàng son của Kinh đô Thăng Long được diễn giải sinh động, bằng các công nghệ mới mapping, media, hologram, đồ họa và ánh sáng, âm thanh hiện đại, tạo ấn tượng sâu sắc và đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Không gian trưng bày dưới hai tầng hầm Nhà Quốc hội được cấu trúc theo lát cắt địa tầng khảo cổ học, diễn giải lịch sử xen cài giữa di tích là hồn cốt, di vật là điểm nhấn hình ảnh Rồng bay thời Lý được tái hiện từ huyền thoại lịch sử và từ di vật khảo cổ học, được trình chiếu bằng công nghệ 3D và mapping đem lại cảm xúc tự hào về Thăng Long - kinh đô Rồng bay.

Khu trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội là một hình mẫu mới về bảo tàng hiện đại, được đánh giá là bảo tàng độc đáo nhất ở Việt Nam, cũng là bảo tàng hiện đại hàng đầu ở châu Á và trên thế giới. Chỉ trong hai năm đầu tiên sau khi khánh thành (năm 2016), mặc dù chưa chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phối hợp Văn phòng Quốc hội đón 13.780 khách tham quan, với 315 đoàn khách trong nước và quốc tế, trong đó, có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia.

Từ những thành công của Dự án trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu Kinh thành thực hiện nhiều dự án thiết kế trưng bày khác: “Đồ gốm trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê”, “Khảo cổ học và Tương tác” tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (năm 2018), “Phòng truyền thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh” (năm 2019); “Di sản văn hóa thời Đinh - tiền Lê” tại di tích cố đô Hoa Lư, (năm 2020), Phòng truyền thống Ban Tổ chức Trung ương Đảng (năm 2020) tạo nên diện mạo khác biệt và mới lạ trong trưng bày bảo tàng ở Việt Nam.

Thành quả trong nghiên cứu và trong trưng bày bảo tàng đã tạo nên uy tín khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành. Đó cũng là cơ sở khởi nguồn cho những phát triển mới của Viện trong tương lai. Trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng bằng khen cho Viện Nghiên cứu Kinh thành và PGS, Viện trưởng Bùi Minh Trí.